Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

SUY NIỆM HẰNG NGÀY - NGÀY 02/12/2017

Filled under:

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca (Lc 21: 34-36)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng"Các con hãy giữ mình, kẻo lòng các con ra nặng nề, bởi chè chén say sưa và lo lắng việc đời, mà ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy các con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!".

Suy niệm 1

Lại nói về “chè chén say sưa, lo lắng sự đời”, những điều Chúa Giêsu cảnh báo về nguy cơ con người sa đà vào, khiến chúng ta suy nghĩ không? 

Hằng ngày ai trong chúng ta lại không lo cơm áo gạo tiền. Nó gắn liền với những lo lắng hiện sinh của cuộc đời người. Chúng ta không lo cho mình thì ai lo bây giờ. Chúng ta vẫn thường bắt gặp những lý luận đó hằng ngày. Nó liên quan tới một chiều kích khác của đời sống đạo đức, văn hoá và tinh thần: tiền bạc, vật chất đi trước, cái còn lại thì lo sau. Nói khác, kiểu của lý luận: có thực mới vực được đạo.

Ở Việt Nam, nói về chè chén say sưa, có lẽ không thiếu những dữ liệu thuyết phục. Một năm tiêu thụ bao nhiêu tỉ lít bia rượu, xếp hàng đầu thế giới về nhậu nhẹt. Không đâu nhiều quán nhậu từ cao cấp đến bình dân; từ vỉa hè, quán cốc đến nơi mỗi nhà nhiều như ở đất nước chúng ta. Thú vui tao nhã uống rượu, không dừng lại ở thú vui giải trí chuyện trò bên ly rượu, mà trở thành thói quen nhậu nhẹt say sưa vì lập lại cách đều đặn thường xuyên. Sa đà vào cái tầm thường, chúng ta không thể đạt đến thú vui tao nhã. Quẩn quanh với những lo lắng sự đời của riêng mình, chúng ta không còn quan tâm đến những cái ích của xã hội. Hậu quả của nó là những con người ích kỷ sẵn sàng giẫm đạp lên người khác chỉ vì quyền lợi của mình. 

Những người ích kỷ và thụ động là những người thường oán trách hoàn cảnh, số phận. Lo về ngày tận thế đến nhưng cứ ngồi một chỗ mà rượu chè. Cứ than trách về mọi mặt nhưng không động não tìm giải pháp. Từ đó trở thành những con người yếm thế, thụ động và dễ sa ngã vào những thú vui tầm thường, chè chén say sưa, sự đời điên đảo. 

Chúa Giêsu nói với chúng ta điều này để chúng ta không phải ngồi đó mà sợ hãi về ngày kinh hoàng ấy đến như một chiếc lưới chụp xuống. Lời Chúa đã là ánh sáng cho chúng ta. Mỗi ngày hãy đứng lên và hành động để cho lời đó biến đổi chúng ta trở nên chủ động, tỉnh thức và cầu nguyện, là phương tiện thoát khỏi sự trừng phạt của Thiên Chúa. 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng sa chước cám dỗ, nhưng gìn giữ chúng con thoát khỏi mọi sự dữ. Amen.   


GKGĐ Giáo Phận Phú Cường

SUY NIỆM 2
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su tiếp tục nói cho chúng ta về thời điểm cuối cùng. Như chúng ta đã nhận ra, để nói về thời điểm này, Đức Giê-su dùng nhiều hình ảnh để giúp chúng ta hiểu và sống thời điểm sau cùng ngay hôm nay:
– Trước hết, Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm kia: « Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét » (c. 25). Như thế, trật tự mà Thiên Chúa đã thiết lập khi sáng tạo, sẽ bị phá vỡ. Nhưng đó chính là kết cục tất yếu của mọi sự, bởi vì tất cả đang hiện hữu trong thời gian, chứ không phải trong vĩnh cửu; và để đi vào thế giới mới và vĩnh cửu tuyệt đối, mọi sự phải đi qua khoảng khắc « tan biến ». Như chính Đức Ki-tô đã phải chết, để đi vào sự sống mới.
– Bù lại với những hình ảnh gây sợ hãi, trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giê-su dùng hình ảnh cây vả, đâm chồi nẩy lộc, loan báo mùa hè sắp đến; và hình ảnh thật bình an của sự thay đổi luân phiên giữa các mùa, nói cho chúng ta rằng Nước Thiên Chúa chắc chắn sẽ đến và đem lại sự sống mới trong niềm vui khôn tả, được qui tụ mãi mãi bên Chúa và bên nhau, nhất là những người thân yêu của chúng ta trong gia đình và trong đời sống ơn gọi.
– Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dùng hình ảnh tấm lưới: “Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất” (c. 34). Hình ảnh tấm lưới làm cho chúng ta hiểu rằng, không ai tránh được thời điểm tận cùng này. Đơn giản, đó là vì qui luật của thời gian, con người có tài tránh né được nhiều điều, nhưng tuyệt đối không ai tránh được thời gian, mọi sự trong đó có sự sống của con người đều bị chi phối bởi thời gian, nghĩa là buộc phải đi tới điểm cuối: cuối tuần, cuối tháng, cuối năm phụng vụ, cuối năm dương lịch, và rồi sẽ đến thời điểm cuối của một lứa tuổi (thanh niên, trung niên, cao niên), điểm cuối của cuộc đời!
Và lời cuối của Đức Giê-su, mà Giáo Hội mời gọi chúng ta ghi nhớ trong ngày hôm nay, là ngày cuối năm phụng vụ, là lời này:
Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, 
hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến 
và đứng vững trước mặt Con Người.
Tỉnh thức và cầu nguyện chính là con đường và cách sống Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống mỗi ngày, để “thoát khỏi mọi điều sẽ xẩy đến” và đứng vững trước mặt Con Người, và nhất là làm cho chúng ta bình an và vui mừng, thay vì lo âu và sợ hãi, bởi lẽ chúng ta thuộc về Con Người, là Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta là anh chị em, là người thân của Ngài ngang qua ơn gọi đi theo Ngài, trong đời sống Ki-tô hữu hay đời sống dâng hiến.
* * *
Chúng ta cùng hướng về Đức Mẹ, vì Mẹ là mẫu gương tuyệt vời của một đời sống tỉnh thức và cầu nguyện. Xin Mẹ đồng hành và dạy dỗ chúng ta trong cách chúng ta tỉnh thức và cầu nguyện, và nhất là trong cách chúng ta lắng nghe và đón nhận Ngôi Lời vào trong tâm hồn và cuộc đời chúng ta, để chúng ta cũng có thể theo Ngài đến cùng như Mẹ. Và như chúng ta vẫn xin Mẹ trong kinh Kính Mừng:
Xin cầu cho chúng con, là kẻ có tội, khi nay và trong giờ lâm tử.
Xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong những thời điểm cuối cùng trong hành trình làm người và hành trình ơn gọi, Ki-tô hữu hay dâng hiến, của chúng ta, với tình hiền mẫu; và xin Mẹ mở rộng vòng tay đón nhận chúng ta và Gia Đình Mới của Con Mẹ và cũng là của chính Mẹ.
A-men, lạy Chúa Giê-su, xin ngự đến!(Kh 22, 20)

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc