Hồi đầu tháng này, Hiệp hội Thánh Mẫu Quốc tế (International Marian Association) đã đệ trình một bản thỉnh cầu lên Đức Giáo Hoàng Phanxicô xin ngài công nhận rộng rãi tước hiệu Mẹ Maria là "Đấng đồng công cứu chuộc với Chúa Giêsu Cứu Thế".
Tài liệu thỉnh cầu dày 10 trang đã được gửi đi bởi Ủy ban Thần Học của Hiệp hội này, gồm một nhóm hơn 100 nhà thần học, giám mục, linh mục, tu sĩ và lãnh đạo giáo dân đến từ hơn 20 quốc gia với trọng tâm nói về "chân lý và tình yêu tròn đầy của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu". Động thái này diễn ra trong khuôn khổ kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha.
Tiến sĩ Robert Fastiggi - Giáo sư Thánh Mẫu Học tại Chủng viện Thánh Tâm (Sacred Heart Seminary) ở Detroit nói rằng: Nếu thỉnh cầu này được chấp thuận, nó sẽ có tầm quan trọng trong việc giúp các tín hữu đón nhận thêm những điều sáng tỏ về vai trò duy nhất của Đức Mẹ Maria khi cộng tác với Chúa Kitô trong công trình cứu chuộc.
"Tôi nghĩ rằng nhiều người đã cảm nhận được sự dữ đang lan tràn khắp thế giới và đã nhận ra tầm quan trọng khi nhìn nhận vai trò nổi bật của Đức Maria như là một người Mẹ thiêng liêng", Tiến sĩ Fastiggi nói.
Khi đề cập đến Hiến chế Lumen Gentium (ánh sáng Muôn dân) của Công đồng Vatican II, ông nói thêm: "Một tuyên bố của Đức Giáo Hoàng về sự đồng công cứu chuộc của Đức Mẹ sẽ làm cho chúng ta hiểu biết thêm sâu sắc về vai trò của Đức Maria như là Eva Mới, đã cộng tác với Con của Mẹ, như là Adam mới, trong việc mang các linh hồn trở về sự sống siêu nhiên".
Tước hiệu này có thể đã được truy nguyên về thế kỷ thứ 10, khi một số kinh cầu Đức Mẹ có đề cập đến Mẹ Maria như là đấng cứu chuộc cùng với Con của Mẹ. Ý tưởng này được phát triển từ việc xem Đức Maria là "Eva Mới", một tước hiệu dành cho Đức Mẹ đã được sử dụng từ thế kỷ thứ 2. Sau đó, đến thế kỷ 15, tiền tố "đồng công" đã được bổ sung thêm để làm rõ rằng Đức Maria không phải là Đấng Cứu Chuộc, mà là người duy nhất cộng tác trong công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.
"Tước hiệu đồng công cứu chuộc không bao giờ dám đặt Đức Maria ngang bằng với Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc duy nhất của Thiên Chúa, làm như vậy sẽ tạo nên điều dị giáo và báng bổ", Hiệp hội Thánh Mẫu Quốc tế cũng thông cáo minh định.
"Tước hiệu đồng công cứu chuộc sẽ là vô nghĩa nếu không có Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế, và tự nó không quy chiếu về Thập giá Chúa Giêsu Kitô. Tước hiệu Đức Maria đồng công cứu chuộc chỉ tuyên bố với thế giới rằng sự đau khổ chỉ gọi là cứu chuộc khi kết hợp với sự đau khổ của Chúa Kitô".
Sau khi tiền tố "đồng công" được thêm vào, tước hiệu này tiếp tục được loan truyền, làm cho thế kỷ 17 được coi là "thời hoàng kim" về tước hiệu "đồng công cứu chuộc" của Đức Maria. Tuy nhiên, tước hiệu vẫn không được Huấn Quyền công nhận, cho đến năm 1908, khi Bộ Phụng Tự sử dụng nó trong một sắc lệnh nâng cấp bậc Lễ Đức Mẹ Sầu Bi.
Kể từ đó, Huấn Quyền đã nhiều lần đề cập đến thuật ngữ này, nhưng Công đồng Vatican II chung cuộc vẫn quyết định không công nhận chính thức tước hiệu này trong hiến chế Lumen Gentium (Ánh sáng Muôn dân).
Công đồng này nhìn nhận tầm quan trọng trong việc triển khai và làm rõ thêm nhiều hơn về một số điểm giáo lý Đức Mẹ. Một tuyên bố của Đức Giáo Hoàng về vấn đề Đức Mẹ đồng công cứu chuộc sẽ làm sáng tỏ hơn về sự cộng tác độc đáo của Đức Maria với Chúa Kitô trong công trình cứu độ và sự trung gian của ân sủng. Nó cũng sẽ mở đường cho nhiều ân sủng trong đời sống của Giáo Hội".
Đức Giáo Hoàng thường ban ra các công nhận chính thức để giúp tăng cường sự hiểu biết thần học cho các tín hữu, chẳng hạn như Chân phước Giáo Hoàng Phaolô VI đã tuyên bố công nhận Đức Maria là "Mẹ Giáo Hội" vào năm 1964.
"Các thỉnh cầu tước hiệu khác nhau về Đức Maria như "Mẹ Thiên Chúa" và "Mẹ phù hộ các giáo hữu"... đã làm củng cố vai trò của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ", tiến sĩ Fastiggi nhấn mạnh.
Tiến sĩ Fastiggi còn cho biết, thật không may là nhiều người Công Giáo không ý thức được rằng việc công nhận danh hiệu "đồng công cứu chuộc" đã từng nhận được nhiều sự công nhận chính thức từ các giáo huấn.
"Một số người thậm chí còn nghĩ rằng chúng ta không được phép gọi Đức Maria là 'đồng công cứu chuộc' mặc dù đã có hai vị giáo hoàng, cụ thể là Đức Piô XI (3 lần) và Thánh Gioan Phaolô II (ít nhất là 6 lần) công khai gọi Đức Maria là "đồng công cứu chuộc", ông nói.
Đối với những lo ngại tước hiệu này có thể gây thêm xáo động từ phía người Tin Lành và những người không đồng ý với giáo huấn Công Giáo về Đức Maria, Tiến sĩ Fastiggi tin rằng sự công nhận chính thức của tước hiệu thực sự sẽ giúp làm rõ thêm nhiều điều.
"Một tuyên bố chính thức của Đức Giáo Hoàng sẽ phục vụ thêm sự hiệp nhất bởi vì nó sẽ giúp các Kitô hữu khác biết rằng Giáo Hội Công Giáo phân biệt rõ ràng giữa công trình cứu độ của Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ và là Đấng Trung Gian (1 Tim 2: 5-6) còn Đức Mẹ chỉ là người cộng tác thứ cấp, phụ thuộc Chúa Kitô nhưng lại hoàn toàn độc đáo trong công trình cứu chuộc và sự trung gian của ân sủng", ông nói.
Trong một thông cáo báo chí về thỉnh cầu này, Hiệp hội Thánh Mẫu Quốc tế cho biết: "Chúng tôi tin rằng sự công nhận rộng rãi về vai trò thực sự và liên tục của Đức Maria với Chúa Giêsu trong công trình cứu độ sẽ là sự nhìn nhận công bằng về vai trò của nhân loại trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa; nuôi dưỡng thêm lòng sùng kính Mẹ Thiên Chúa và dẫn đến sự xuất hiện các ân sủng mang tính lịch sử thông qua những thực hành mạnh mẽ liên quan đến vai trò cầu bầu của Đức Mẹ dành cho Giáo Hội và cho tất cả nhân loại hôm nay".
Nếu bản thỉnh cầu này có thể dẫn đến một tín điều mới về Đức Mẹ, Tiến sĩ Fastiggi cho biết Hiệp hội vẫn sẽ lấy làm hạnh phúc dù cho Đức Giáo Hoàng công nhận tước hiệu này dưới bất kỳ hình thức nào.
"Các thành viên của Hiệp hội ý thức rằng hãy để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn Đức Thánh Cha trong thỉnh cầu trên. Về vấn đề này, việc cầu nguyện và tin tưởng là rất cần thiết", ông nói.
"Chúng tôi tin tưởng vào Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Cha và những lời cầu nguyện của Đức Trinh Nữ Maria, người Mẹ thiêng liêng của chúng ta. Nguyện xin Thiên Chúa sẽ thực hiện". (CNA)
Chân Phương
Lời khuyên của một Giám Mục: Khi tình yêu hôn nhân nhạt dần, hãy chạy đến với Mẹ Maria.
(EWTN News/CNA) - Trong thư mục vụ gởi tín hữu, Đức Giám Mục Tây Ban Nha Demetrio Fernandez Gonzalez nói rằng tình yêu hôn nhân ví như rượu cưới tại tiệc cưới Cana, chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria khi gặp khó khăn để xin Mẹ canh tân rượu tình yêu trong mỗi cặp cũng như trong mỗi gia đình.
Một khi tình yêu không còn nữa thì dường như mọi sự chấm dứt và cách giải quyết duy nhất là xa nhau thôi. Không phải thế, hãy chạy đến Mẹ Maria để Mẹ xin Chúa Giêsu “Họ hết rượu rồi. Khi Chúa hiện diện trong hoàn cảnh ấy, Ngài sẽ hóa ra rượu… như rượu ngon ở tiệc cưới Cana.”
ĐGM nói rằng “Khi tình yêu trở nên lạnh lẽo, hãy khiêm nhường kêu xin Chúa Giêsu và Ngài sẽ đến để bằng mọi cách đổ đầy tình yêu trong lòng chúng ta, nhất là tình yêu trong hôn nhân.”
Nhắc đến đoạn Phúc Âm nói về việc Chúa làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu tại Cana, ĐGM nhắc lại tầm quan trọng của hôn nhân là “nền tảng của gia đình theo kế hoạch của Thiên Chúa”, sự kết hợp giữa người nam và người nữ được Thiên Chúa chúc phúc, họ sống kết hợp với nhau, tương trợ nhau cho đến hết đời.
Chính Chúa đã lập ra bí tích hôn phối do vậy hôn nhân là một phép bí tích được thánh hóa với quyền năng của Chúa Thánh Thần để đôi vợ chồng trao trọn cuộc đời cho nhau trong một tình yêu tận hiến, và tình yêu đích thực ấy họ dành cho nhau từng ngày trong cuộc sống.
ĐGM Fernandez nhắc các cặp vợ chồng hãy khiêm nhường van xin để “ không bị thiếu rượu an vui trong gia đình, để có đầy rượu tình yêu mà Chúa đã ban cho gia đình trong ngày cưới của họ.”
Tình yêu hôn nhân được chính Chúa thiết lập và thánh hóa sẽ giúp cho các cặp vợ chồng có thể trung thành với nhau suốt đời, yêu nhau suốt đời và mãi mãi hạnh phúc. Tuy nhiên, chúng ta phải biết khiêm nhưòng, tin tưởng van xin ơn ấy mỗi ngày.
Đây là phép lạ mà Chúa Giêsu tiếp tục làm trong thời đại của chúng ta, do vậy sẽ không bao giờ chúng ta bị thiếu rượu để canh tân tình yêu trong mỗi người và trong mỗi gia đình.
Giuse Thẩm Nguyễn