Thứ Hai, 9 tháng 1, 2017

Khi chẳng còn tình người…

Filled under:


mit 
Nếu một ngày nào đó khi vừa giật mình thức giấc, bạn chợt nhận ra mình vẫn còn tồn tại trên cõi đời này sau một giấc mơ kinh hoàng; liệu bạn có suy nghĩ lại những gì mình đã làm trong thời gian qua, nhất là những vấn đề liên quan đến tha nhân không? Có lẽ chỉ khi nào phải đối diện với những gì tệ hại nhất, chúng ta mới biết nhìn lại hành động của mình!
Được dịp tiếp xúc với một bệnh nhân bị ung thư trong thời gian gần đây, văng vẳng trong tôi vẫn là những bức xúc về các loại thức ăn mà chúng ta đang dùng. Ngay cả nguồn nước uống cũng thế! Chẳng những chúng không làm tròn trách nhiệm thanh lọc, mà tệ hại hơn là chúng lại đem biết bao mầm bệnh vào cơ thể chúng ta. Những điều kiện cơ bản nhất để cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ sự sống con người đã bị tước đoạt, mà những kẻ cướp đoạt ấy chẳng ai xa lạ, có khi là chính chúng ta!
Thời đại ngày nay, mọi thứ đều trở nên thuận lợi hơn rất nhiều cho con người! Bạn không phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị cho một bữa ăn khi đâu đâu cũng có sẵn, cho đến tận cùng ngõ hẻm cũng chẳng thiếu. Điều đó làm phát sinh những lợi hại thật đáng kể! Những người bận rộn luôn luôn cần được phục vụ cách thuận tiện nhất, đôi khi bất kể chất lượng như thế nào; còn những người kinh doanh thì xoay xở mọi cách để phục vụ nhanh chóng và hiệu quả nhất, có khi chẳng còn quan tâm đến sự an toàn cho con người. Sự thiếu hiểu biết, hay thái độ vô tâm, thậm chí là bất nhân của con người đã gây ra thảm cảnh của bệnh tật, tội lỗi và chết chóc. Ai cũng thèm một bữa ăn thật sạch, nhưng chẳng ai góp phần để làm cho nó được sạch. Ai cũng muốn mua được những thứ thật sạch, nhưng bản thân mình lại bán những thứ chẳng sạch. Và ai cũng nghĩ tới giải pháp để bảo vệ những cái sạch, nhưng mấy ai sẵn sàng và cương quyết với giải pháp ấy.
“Cái sạch” bỗng trở nên thật là đắt giá! Một thương gia dễ dàng vung tiền cho những sản phẩm sạch nhằm đảm bảo cho sức khỏe của mình, thế nhưng sự nghi ngờ về những sản phẩm ấy luôn làm cho anh ta bất an, đến độ anh chẳng còn tin tưởng ai. Cái lo lắng chồng chất cũng khiến anh lâm bệnh! Một người nghèo chỉ cho phép mình dùng những gì hợp với túi tiền, nhiều khi nhắm mắt cho qua vì không thể chọn cái tốt hơn. Bằng lòng với cuộc sống như thế và họ cũng bằng lòng với bệnh tật xảy đến bất cứ lúc nào! Sự phân cấp trong xã hội cũng không làm cho con người tránh được những thảm họa, cuối cùng vẫn là những đau khổ của bệnh tật và sự chết.
Chúng ta chẳng đổ lỗi cho ai bởi vì từng cá nhân chúng ta đều có lỗi! Nếu mỗi người ý thức một chút, thì xã hội sẽ sạch hơn một chút. Nếu mỗi người góp sức một chút, thì xã hội sẽ được cải tạo một chút. Và nếu mỗi người cương quyết một chút, thì xã hội sẽ bớt tệ nạn một chút. Ý thức rằng mỗi sản phẩm tôi làm ra là để tôi dùng nó, chắc chắn chúng ta sẽ làm với tất cả lương tâm của mình. Góp sức bằng hành động của mình trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, chúng ta sẽ trở nên lời kêu gọi cho người khác cùng thực hiện. Cương quyết không để bản thân mình làm những điều sai trái hay dung túng với những sai trái, chúng ta sẽ làm cho xã hội được sạch và xanh hơn. Đó là cách chúng ta đang cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo của Người. Hơn thế nữa, đó là tình người mà chúng ta cần phải biết vun đắp trong tình yêu của Thiên Chúa.
Therese Trần Thị Kim Thoa

    
 

Đạo tại Tâm

“Đạo Tại Tâm” là câu nói cửa miệng của nhiều người xưa nay, nó đã trở nên một thành ngữ phổ biến trong dân gian, từ người bình dân cho đến người có học. Nó quá quen thuộc đến nỗi người ta đã hiểu sai cái ý nghĩa đích thực của nó, rồi mỗi người hiểu theo ý riêng của mình, sinh nhiều lạm dụng và tranh cãi, cho cả người ủng hộ lẫn người phản đối.
CÁCH HIỂU ĐẠO TẠI TÂM NƠI MỘT SỐ NGƯỜI
Người ta hiểu “đạo tại tâm” nhiều cách khác nhau, đôi khi trái ngược nhau. Có người hiểu Đạo là giữ trong lòng chứ không cần thiết phải phô trương bên ngoài. Người khác lại hiểu giữ đạo cốt ở tâm hồn, còn cái bề ngoài chỉ là phụ thuộc, có cũng được, không có cũng chẳng quan trọng. Lại có cách hiểu Đạo là cái lõi, kiểu giữ đạo là vỏ, chỉ là phụ, nên cái vỏ chỉ có giá trị nhất thời. Cũng có người hiểu Đạo Tại Tâm là cách ngụy biện của kẻ “vô đạo”, cho rằng giáo lý tôn giáo của họ không có chuyện Đạo Tại Tâm. Một cách hiểu dung hòa cho rằng Đạo (tại tâm) là nội dung, còn giữ đạo là hình thức, đạo chú trọng về nội dung nên nói vậy, nhưng cần có cả nội dung lẫn hình thức mới được hoàn hảo. Và còn nhiều cách hiểu khác nhau, tùy theo ý niệm hoặc thành kiến để hiểu Đạo và Tâm theo nhãn quan của mỗi người .
Người đả phá việc theo “đạo tại tâm” cũng tìm những lý lẽ, viện những câu chuyện ví dụ làm luận cứ cho cái tiền đề khá mơ hồ theo cách hiểu của họ. Khái niệm hoặc định nghĩa về Đạo Tại Tâm không được đề ra một cách thỏa đáng, không dựa trên nguồn gốc có cơ sở trên lãnh vực đạo học và văn hóa tư tưởng, nên cách giải thích và phản bác của mỗi người khác nhau, cái lý đưa ra khiến người nghe không thỏa mãn, dù họ khó phản biện được.
Như vậy nếu hiểu Đạo, hiểu Tâm theo ý mỗi người thì không còn biết chân lý nằm ở chỗ nào, cũng chẳng nhận ra bản thể của Đạo, và cũng không tìm thấy cái Tâm Nguyên Bản của nó.
Vậy Đạo và Tâm từ đâu và bản chất của nó như thế nào?
ĐẠO VÀ TÂM
Ngoài Ấn Độ theo Ấn giáo, Do Thái giáo của Israel và một số quốc gia theo Hồi giáo, hầu hết các nước Á châu đều thấm nhiễm triết lý, tư tưởng và luân lý của Khổng, Lão và Phật. Vì vậy muốn hiểu Đạo và Tâm theo nghĩa “đạo tại tâm”, không gì hơn là tìm đến Đạo học Đông phương, nơi xuất xứ ra thành ngữ này. Nơi đây, cái gốc được căn cứ trên cơ sở của “Tam giáo Đồng nguyên”, tức Khổng, Lão và Phật.
– Nho Giáo:
Đức Khổng Tử nói: “Thiên mệnh vị chi Tánh, suất tánh vị chi Đạo, tu Đạo vị chi Giáo” (Cái mệnh Trời phú cho gọi là Tánh, theo Tánh gọi là Đạo, sửa mình cho đúng Đạo gọi là Giáo –  sách Trung Dung).
Nho giáo cho rằng theo Đạo là tuân thủ theo Thiên lý, mà Thiên lý với bản tánh con người là một, cho nên theo Đạo là cốt để sửa cái tính con người cho hợp với Thiên lý. Nên Đạo với con ngưòi là một.
Đức Khổng nói rằng: “Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi Đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi Đạo” (Đạo không xa rời bản tánh con người, nếu theo Đạo mà để xa cái bản tánh con người, thì không phải là Đạo –  sách Trung dung).
Cũng như: “Đạo tại nhĩ nhi cầu chư viễn, sự tại dị nhi cầu chư nan” (Đạo ở gần sao lại đi tìm ở xa, sự việc dễ sao lại làm cho nó khó – Mạnh tử). Ở gần là ở trong ta (tâm), việc dễ vậy mà lại tự gây (khi hành đạo) cho nó phức tạp.
Do đó Đạo luôn gắn bó với con người, nằm trong con người, đó chính là lương tâm, thiện tánh.
Cho nên:  “Đạo bất khả tu du ly dã, khả ly phi Đạo dã” (đã là Đạo thì không giây phút nào xa lìa được, nếu xa lìa được thì không phải là đạo – sách Trung dung).
Theo Nho giáo thì Tâm và Tánh là thần minh, là linh giác của con người, cũng còn gọi là linh tâm, giác tánh.
Nho giáo xem Tâm và Tánh ban đầu vốn lành, nhưng sở dĩ con người có tâm tánh độc ác, là do càng ngày càng tập nhiễm những điều xấu, mà xa dần cái tánh bổn thiện. Nên bài học vỡ lòng của đạo Nho là: “Nhơn chi sơ, tánh bổn thiện; Tánh tương cận, tập tương viễn ” (Tánh thuở ban đầu của con người vốn lương thiện, luôn gần gũi với điều lành, nhưng vì tập nhiễm tánh xấu, nên xa dần điều lương thiện – Tam Tự Kinh).
Cũng như thuyết “Tri Hành Hợp Nhất” của Vương Dương Minh  (14721528), một nho gia nổi tiếng đời nhà Minh, Trung Quốc, nói cái Tâm là cái “Trí lương tri” của con người đã được phú bẩm, cần quay về mình (tâm) để tìm lại nó, nhờ sự soi sáng và dẫn dắt của nó mà thi hành đạo.
Vì vậy phương châm tu hành của Nho giáo dạy phải: “Tồn Tâm Dưỡng Tánh”, tức là giữ cái thiện tâm luôn tồn tại, và nuôi dưỡng cái tánh vốn lành của mình, đừng cho tiêm nhiễm những điều xấu. Nó được căn cứ trên LÒNG NHÂN (cái tâm), thể hiện qua TAM CƯƠNG và NGŨ THƯỜNG (thực hành đạo).
– Lão Giáo:
Đức Lão Tử cho Đạo là tinh thần, là Bản Nguyên của trời đất, vạn vật, nên trời đất vạn vật là bản thể của đạo, vì thế Đạo lưu hành trong vũ trụ, tàng ẩn trong muôn vật, cho nên vật nào cũng có phần linh diệu của Đạo bên trong để điều hòa, trưởng dưỡng cho nó. Đạo không có hình tướng, rất khó diễn tả, nên con người chỉ lấy Tâm để cảm nhận và hình dung Đạo mà thôi.
Còn Tâm Tánh là Thiên lương (Tâm nguyên thủy), có sẵn trong con người, còn gọi là Lương tâm và Thiện tánh, cứ nhìn thẳng trở vào Tâm Tánh của chính mình thì sẽ thấy Đạo.
Tâm Tánh có sẵn trong mỗi người ban đầu, nó hồn nhiên, vô tư vô dục, lương thiện như tâm hồn của đứa trẻ con mới sinh ra, nên Lão Tử so sánh cái Thiên lương của con người như là tâm của đứa con đỏ, gọi là “Xích tử chi tâm”. Cái Tâm phát sinh ra các tư tưởng, làm chủ cái thân, là cái hồn của con người. Nhưng trong tâm lại có động, có tịnh. Ý động thì khí hành, ý tịnh thì khí lặng, cho nên khí hành hay lặng đều từ cái Ý của Tâm mà ra.
Nhưng sở dĩ có sự biến dạng thành hung ác, là do tập nhiễm vật dục làm thay đổi từ tốt trở nên xấu. Vì vậy con người trở thành thánh nhân cũng do bởi Tâm, mà sống như thú vật cũng do cái Tâm sai khiến. Nên đường hướng tu hành của Lão giáo lấy sự hư tĩnh để tu luyện đó là: “Tu tâm luyện tánh” (sửa tâm và trau dồi tánh).
Tu Tâm là sửa lòng cho trong sạch, cốt làm cho tâm con người luôn thanh tịnh, làm chủ được bản thân mình, không để thất tình lục dục dẫn dắt. Luyện Tánh là tập cái tánh trở thành không không, đừng để ảnh hưởng bởi thất tình (hỉ, nộ, ái ố, ai, cụ, dục), lúc đó con người sẽ được cái Tâm sáng tỏ soi dẫn, hành động sẽ theo sự tự nhiên của cái lý Vô Vi, có nghĩa là không làm, tức là không can thiệp vào quy luật tự nhiên, để con người sống theo tự nhiên, để cùng với tự nhiên mà tiến hóa (vô cầu, vô tranh, vô đoạt, vô chấp).
– Phật Giáo:
Đạo đối với Đức Phật rất đơn giản, đó là “Không được bám víu vào bất cứ gì cả”, nghĩa là để cho cái Tâm trở nên hư không. Trong quá trình tu tập, Phật tử phải quay về tìm cái “Tâm Phật” của mình. Nhà Phật gọi Tâm và Tánh là Chân như, Chân tâm, Phật tánh… Trong mỗi chúng sanh đều có Chân tâm và Phật tánh. Cái Tâm Chân bất sanh bất diệt, nên cũng gọi là Thường trụ Chân tâm. Vì vậy phương hướng tu hành của Phật giáo dạy phải: “Minh Tâm Kiến Tánh”, nghĩa là làm cho sáng cái Tâm thì sẽ thấy rõ cái Tánh.
Về cái Tâm, Ðức Phật khuyên dạy chúng sinh hãy lo tu tập “Tứ Vô Lượng Tâm”, tức là “bốn thứ tâm rộng lớn không đo lường được”. Đó là các Tâm: “Từ, Bi, Hỷ, Xả”. Phật dạy hãy mở rộng bốn Tâm này, không hạn chế, cho tất cả các loài hữu sinh ở khắp bốn phương. Đây là những đặc tính giúp con người trở nên tốt đẹp, hoàn thiện, là lối sống của bậc thánh. Nếu mỗi người tự cố gắng thực hành “Tứ Vô Lượng Tâm”, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, thành phần, đẳng cấp trong xã hội thì mỗi người sẽ trở thành một “thánh nhân” trong một thế giới hòa bình, an lạc.
Người Phật tử lấy Từ, Bi, Hỷ, Xả làm nền tảng cho sự phát triển thánh hạnh. Tâm “Từ” là khả năng hiến tặng niềm vui cho tha nhân, cho người khác. Tâm “Bi” là khả năng làm vơi đi nỗi khổ đang có mặt. Tâm “Hỷ” là niềm vui, lòng thanh thản do từ bi đem tới. Tâm “Xả” là thư thái nhẹ nhàng, tự do, không kỳ thị.
Người phật tử thực hành giáo lý nhà Phật gọi là “hành giả”, dù niệm Phật để thanh tịnh hư không – gỡ khỏi mọi ràng buộc – dù  hành giả ra đi để cứu nhân độ thế, cũng đều là thực hành tâm linh tìm về Chân tánh để gặp Đạo. Như vậy Đạo với đời sống tâm linh cũng chỉ là một chứ không có sự tách biệt.
– Hệ kết:
Tóm lại các pháp môn tu luyện để ngộ đạo và đắc đạo của Tam giáo tuy danh xưng và phương tiện thể hiện có khác nhau, nhưng tựu trung cũng khuyên người thực hành đạo phải:
– “Tồn tâm dưỡng tánh” đối với Nho giáo
– “Tu tâm luyện tánh” đối với Lão giáo
–  “Minh tâm kiến tánh” đối với Phật giáo
Đạo chẳng phải nơi lời nói, mà nơi kết quả sự thật mình làm, chẳng phải nơi câu kệ câu kinh mà phải thể hiện ra. Nếu chỉ nghiên cứu suông kinh điển để làm một kẻ trí đạo “năng thuyết bất năng hành” thì cũng chẳng khác gì người ngồi đó chỉ biết diễn tả phân tích đủ thứ món ăn tuyệt diệu trên đời, nhưng rốt cuộc bụng họ vẫn đói meo, hoặc như con lạc đà trên lưng mang nặng trĩu gỗ trầm hương, nhưng chẳng bao giờ nó thưởng thức được hương thơm của trầm cả. Phải biến nhận thức của mình thành hành động cụ thể. Có như vậy mới đi đúng đường và mang lại lợi ích thực sự. 
Để đi vào đạo, con người chỉ cần biết thức tỉnh quay vào chính mình thì sẽ nhận ra “Chân tánh”, được “Tính bản thiện”, được cái “Thiên lương”, lúc đó sẽ được nó soi tỏ và dẫn dắt, đồng thời sẽ gặp được Đạo.
Như vậy Đạo với đời sống tâm linh là một, mà hoạt động tâm linh không hề tách biệt với đời sống thực tại, cũng như tâm linh luôn gắn liền với thể chất như bóng với hình, vì Tâm và Vật không thể phân chia. Nói cách khác, hoạt động tâm linh luôn hiện hữu trong đời sống con người, tức là đạo không lìa xa cuộc sống. Vì thế người theo đạo không có nghĩa là phải từ bỏ các hoạt động hằng ngày, để theo đuổi một cái gì xa vời ngoài cái thực tại. Sống theo đạo là sống một cuộc sống cho ra sống, đáng sống với cuộc đời, sống một cách có ý thức và chủ động trong mọi sinh hoạt, chứ không phải sống một cách máy móc thụ động.
Muốn được vậy thì con người phải lấy Tâm làm gốc, Đạo làm nền, là trung tâm trong đời sống tâm linh, mà cũng là trung tâm của tất cả hoạt động của đạo được thể hiện ra bên ngoài. Nên Đạo Nho mới nói: “Đạo bất khả tu du ly dã” (đạo không giây phút nào xa lìa được), và “Đạo tại nhĩ nhi cầu chư viễn” (đạo ở gần đừng tìm nơi xa).
“Tam giáo đồng nguyên” chính là vậy.
CÔNG GIÁO VỚI ĐẠO TẠI TÂM
Căn cứ trên Kinh Thánh và Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG), “Thuở ban đầu con người đơn sơ trong trắng như trẻ thơ vô tội, chưa bị rối loạn vì tội lỗi. Con người sống an bình hoà hợp với Thiên Chúa, với mọi người, và với bản thân mình” (St 2). 
Cũng như: “Con người đầu tiên không những được tạo dựng là tốt lành, mà còn được sống trong tình thân nghĩa với Đấng Tạo Hóa của mình, trong sự hài hòa với chính mình và với vạn vật xung quanh. Tình thân nghĩa và sự hài hòa này chỉ thua kém vinh quang của công trình tạo dựng mới trong Đức Kitô” (GLHTCG số 374).
Và: “Hội Thánh, khi giải thích một cách chính thống ngôn ngữ biểu tượng của Thánh Kinh dưới ánh sáng của Tân Ước và Truyền Thống, dạy rằng: nguyên tổ chúng ta, ông Ađam và bà Evà, đã được tạo dựng trong tình trạng thánh thiện và công chính nguyên thủy. Ân sủng của sự thánh thiện nguyên thủy đó là được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa” (GLHTCG số 375).
Đặc biệt hơn, Sách Sáng Thế 1, 26 – 27 nói: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Trong các loài Chúa đã dựng nên, chỉ có con người được Thiên Chúa ban cho linh hồn thiêng liêng, bất  tử.  Nhờ đó, con người có khả năng hiểu biết, chọn lựa điều hay lẽ phải và quyết tâm loại trừ điều xấu để hướng đến hạnh phúc đích thực và trọn vẹn”. Vì linh hồn thiêng liêng, có trí tuệ, ý chí và tự do, nên con người có khả năng hướng về sự thiện đích thực và hạnh phúc muôn đời.
Cái Tâm của con người được hiểu là toàn thể cõi lòng, đó là lương tâm ngay lành, là ý chí (ý muốn), là sự tự do, trong đó có cả sự nhận thức thông qua trí tuệ của con người – vì không thể tách trí tuệ ra khỏi cái Tâm được – đã được Thiên Chúa phú bẩm trong linh hồn. Đó là hình ảnh của Thiên Chúa, dù một thai nhi hay trẻ sơ sinh cũng hội đủ tố chất của cái Tâm này.
Kinh Thánh và GLHTCG nêu trên cho biết, cái Tâm nguyên thủy của con người hoàn toàn tốt lành, thiện hảo chứ không yếu đuối, mê muội, nhiều dục vọng xấu xa… Nó được hòa nhập vào thân xác không thể phân chia, trở thành một bản tính, như GLHTCG số 365 nói: “Sự thống nhất xác hồn thâm sâu đến độ linh hồn phải được coi là “mô thể” của thân xác; nghĩa là, nhờ linh hồn thiêng liêng mà thân xác, vốn được cấu tạo bằng vật chất, là một thân xác nhân linh (corpus humanum) và sống động; tinh thần và vật chất nơi con người không phải là hai bản tính được nối kết lại, nhưng sự kết hợp của chúng tạo thành một bản tính duy nhất”.
Tình trạng ban đầu của vạn vật là tốt lành, không có đau khổ và sự dữ. Chính tội lỗi của con người đã làm hỏng sự tốt lành nguyên thuỷ và làm con người mất hạnh phúc. Tuy nhiên tình trạng đau khổ của con người không đến nỗi tuyệt vọng như người ta đáng phải chịu, bởi vì Thiên Chúa nhân từ sẽ tìm cách cứu vớt. (St 1)
Công giáo là đạo được Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa Làm Người mạc khải, gọi là Đạo Từ Trời. Thiên Chúa Là Tình yêu (Ga 4, 16), Người đã hoàn tất trong lề luật “Mến Chúa yêu Người”, nên cũng được gọi là Đạo Yêu Thương, Bác Ái. Vì vậy Đức Ái là trung tâm điểm của đạo, xuất phát từ cái Tâm yêu thương, thể hiện qua hành vi bác ái. “Nếu tôi nói được các tiếng của loài người và thiên thần, mà tôi không có bác ái, thì tôi chỉ là tiếng đồng la vang dội hoặc não bạt vang động. Và nếu tôi được nói tiên tri, thông biết mọi mầu nhiệm và mọi khôn ngoan; nếu tôi có đầy lòng tin, đến nỗi chuyển dời được núi non, mà không có bác ái, thì tôi vẫn là không. Nếu tôi phân phát mọi của cải tôi có để nuôi kẻ nghèo khó, nếu tôi nộp mình để chịu thiêu đốt, mà tôi không có bác ái, thì không làm ích gì cho tôi” (1 Cr 13, 1-3).
Cũng như, “Nước Thiên Chúa đang ở giữa các ông” (Lc 17, 21), ngoài ý nghĩa cho mọi người, còn nói lên ở trong lòng, trong tâm mỗi người nữa, nơi đó tình yêu ngự trị  trong tâm hồn mỗi người. Nước Thiên Chúa chính là mọi người yêu thương và sống bác ái với nhau, trong Đức Kitô.
Bác ái được căn cứ và xuất phát từ cái Tâm, nên câu nói “Đạo tại tâm” xuất phát từ Đạo học Đông Phương không những không mâu thuẫn hay trái với đạo Công giáo, mà nó còn am hợp một cách diệu kỳ, khá thú vị.
KẾT LUẬN
Có thể nói trong suốt dòng thời gian xưa nay, vấn đề “đạo tại tâm” luôn được nhiều người nhắc tới  như một sự “cảnh tỉnh” về đạo, với nỗi suy tư khác nhau, tùy theo góc độ nhìn nhận và hiểu biết nơi mỗi người, nhiều khi vô tình đi đến sự lệch lạc mà không biết. Chính vì vậy mới có tình trạng tự mâu thuẫn trong lý do của những người ủng hộ “đạo tại tâm”, cũng như nơi những người đả phá nó. Nếu sự nhận thức về đạo mà thiếu thành tâm thiện chí thì dễ dẫn đến cực đoan, đưa đến những ngõ ngách, sinh ra sự cố chấp vô lối, như “bốn người mù xem voi” vậy.
Như đã trình bày, Đạo và Tâm gắn liền với nhau như hình với bóng, như xác với hồn chứ không thể tách biệt. Bởi vì cái Tâm (心) mới là nơi ở (tại – 在 ) của cái Đạo (道). Mà đạo là sống, là hành, là thi thố ra bên ngoài, gọi là hành đạo (hành giả).
Còn theo sự nhận thức bình dị nhất, đạo là việc đạo đức, còn tâm là lòng dạ, nó được thể hiện trong cuộc sống. Nó cũng đúng, vẫn thuận hợp và có ý nghĩa với cụm từ “đạo tại tâm”, vì phải có lòng mới làm việc đạo đức được.
Con người theo đạo dễ lâm vào một số trường hợp, như giữ đạo theo kiểu giả hình, kiêu kỳ, vụ lợi, hình thức, lập dị, đồng bóng… Vì vậy dễ bị người khác chống đối, mà cách lên án thông thường nhất là nại vào câu nói “đạo tại tâm” để phản kháng. Cũng có những người lợi dụng câu này để che lấp, bào chữa cho những cái vô tâm và bê bối trong việc sống và giữ đạo.
Thực ra ít có người xuyên tạc hay hiểu lầm câu “đạo tại tâm” một cách thành tâm, thành thật với bản thân. Vì một khi có sự thành tâm thành ý tìm Đạo thì tự nhiên trong Tâm của con người sẽ thấy cái Đạo ló dạng, và họ sẽ không ngần ngại thi hành đạo đã chiếu soi trong tâm hồn của họ.
Như vậy, ĐẠO TẠI TÂM  (道 在 心) đã được trình bày khái quát trên cơ sở từ nguồn gốc của nó (tam giáo), cũng như xem xét qua mạc khải trong Thánh Kinh của Kytô giáo. Vấn đề đã tạm ổn trong sự nhận thức và hiểu biết hạn hẹp về Đạo và Tâm. Đây là vấn đề mà con người khó thấu triệt, dành cho các vị đã “đắc đạo” và những thánh nhân mới có thể quán thông được nó. Tuy vậy ai cũng có thể dùng cái Tâm của mình để gặp được Đạo, tùy theo cơ duyên tu dưỡng nơi mỗi người để được nhiều hay ít. Như trong Công giáo là tùy thuộc vào ân ban của Thiên Chúa, nhờ Đức Kitô, với điều kiện là phải thành tâm với chính mình để tìm đạo, sẽ gặp được hình ảnh củaThiên Chúa trong chính mình và nơi tha nhân.
Hàn Cư Sĩ