Thứ Bảy, 2 tháng 1, 2016

Ðức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều I lễ Mẹ Thiên Chúa

Filled under:

Ðức Thánh Cha chủ sự Kinh Chiều I lễ Mẹ Thiên Chúa.
Vatican (SD 1-1-2015) - Chiều 31 tháng 12 năm 2015, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự kinh chiều I lễ Ðức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa và hát kinh Te Deum, Tạ Ơn Thiên Chúa, nhân dịp cuối năm dương lịch 2015. Ngài mời gọi dân thành Roma dấn thân phục hồi các giá trị căn bản.
Hiện diện tại Ðền thờ Thánh Phêrô trong buổi hát kinh bắt đầu lúc 5 giờ chiều còn có 36 Hồng Y, và 80 vị khác gồm các Giám Mục và giám chức, và khoảng 8 ngàn tín hữu.
Trong bài giảng sau bài đọc ngắn, Ðức Thánh Cha mời gọi các tín hữu cảm tạ và chúc tụng Thiên Chúa vì những hồng ân đã nhận lãnh trong năm kết thúc, đồng thời xét mình và kiểm điểm những gì xảy ra trong năm 2015. Ngài nói:
"Chúng ta được kêu gọi kiểm điểm xem những thế sự có được thực hiện theo ý Thiên Chúa hay là chúng ta chỉ ưu tiên lắng nghe những dự án của con người, nhiều khi đầy những tư lợi, lòng khao khát quyền lực vô độ và bạo lực vô cớ.
"Nhưng ngày hôm nay, chúng ta cần đặc biệt tập trung vào những dấu chỉ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta, để cảm nghiệm cụ thể sức mạnh tình yêu thương xót của Chúa. Chúng ta không thể quên bao nhiêu ngày ghi đậm bạo lực, chết chóc, đau thương khôn tả của bao nhiêu người vô tội, những người tị nạn buộc lòng phải rời bỏ quê hương, những con người nam nữ và trẻ em không còn gia cư nhất định, thiếu lương thực và kế sinh nhai. Dầu vậy cũng có bao nhiêu cử chỉ tốt lành, yêu thương và liên đới diễn ra trong những ngày tháng của năm nay, cho dù chúng không được các bản tin tức nói tới! Không thể để cho quyền lực sự ác che khuất những dấu chỉ tình thương ấy. Sự thiện luôn chiến thắng, cho dù có lúc sự thiện xem ra yếu ớt và âm thầm".
Trong bài giảng, Ðức Thánh Cha cũng chân thành mời gọi mọi người dân ở Roma "hãy vượt qua những khó khăn hiện tại". Ngài nói: "Ước gì quyết tâm phục hồi các giá trị căn bản phục vụ, liêm chính và liên đới giúp vượt qua những tình trạng bấp bênh trầm trọng đè nặng trong năm nay và chúng là dấu chỉ cho thấy có sự thiếu lòng tận tụy đối với công ích. Ước gì không bao giờ thiếu sự đóng góp tích cực của chứng tá Kitô để giúp Roma trở thành người ưu tiên diễn tả đức tin, lòng hiếu khách, tình huynh đệ và hòa bình, theo lịch sử của mình, và với sự phù hộ của Mẹ Maria là Phần Rỗi của dân Roma".
Cuối kinh chiều, có nghi thức đặt Mình Thánh Chúa và hát kinh Te Deum tạ ơn Thiên Chúa. Sau đó, Ðức Thánh Cha đã tiến ra quảng trường thánh Phêrô viếng thăm và cầu nguyện hang đá lớn tại đây.
Ngày 1 tháng giêng năm 2016, Ðức Thánh Cha sẽ chủ sự hai thánh lễ:
- Ban sáng lúc 10 giờ tại Ðền thờ Thánh Phêrô: lễ Kính Ðức Mẹ Thiên Chúa và cũng là Ngày Thế Giới hòa bình lần thứ 49 với chủ đề: "Chiến thắng sự dửng dưng, và chinh phục hòa bình".
- Ban chiều là thánh lễ lúc 5 giờ tại Ðền thờ Ðức Bà Cả với nghi thức mở Cửa Năm Thánh. Ðây là Cửa cuối cùng được mở ra trong 4 Ðại Vương cung Thánh Ðường ở Roma.
Ðược mời tham dự thánh lễ này, đặc biệt có 350 người vô gia cư ở Roma. (SD 1-1-2015)

G. Trần Ðức Anh, OP

Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðức
Ðức Hồng Y Reinhard Marx
đến thăm Việt Nam

Chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục Ðức, Ðức Hồng Y Reinhard Marx đến thăm Việt Nam.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ðức, Ðức Hồng Y Reinhard Marx sẽ đi thăm Việt Nam từ ngày 08 đến 17 tháng 1 năm 2016.

Munich (VietCatholic News 31-12-2015) - Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ðức, Ðức Hồng Y Reinhard Marx sẽ đi thăm Việt Nam vào đầu năm 2016, từ ngày 08 đến 17 tháng 1 năm 2016. Ðức Hồng Y Marx muốn tận mắt nhìn thấy một Giáo Hội địa phương tăng trưởng trong một tình thế khó khăn. Nơi đây tình hình Giáo Hội đóng góp một vai trò trong bối cảnh của một đất nước cộng sản. Chuyến thăm viếng này nhằm tăng cường sức mạnh cho Giáo Hội địa phương và khuyến khích để Giáo Hội Việt Nam tiếp tục dấn thân cho công tác xã hội đa dạng của họ.
Trong số khoảng 90 triệu dân của Việt Nam, từ 8 đến 10% được tính là những Kitô hữu. Người Công Giáo chiếm khoảng 7% của dân số và được chia trong 26 giáo phận, gồm 3 Giáo tỉnh miền Bắc, miền Trung và miền Nam.
Ở Việt Nam Ðức Hồng Y Marx sẽ là khách mời của Tổng Giám mục Hà Nội, Ðức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và của Tổng giám mục Sài Gòn, Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Ðọc.
Phần đầu của chuyến đi dẫn đến thủ đô Hà Nội, trong những cuộc gặp gỡ phải kể đến việc tiếp xúc với Giáo Hội địa phương và viếng thăm Ðại Chủng Viện Hà Nội, tiếp theo đến Giáo Phận Bắc Ninh thăm nơi trung tâm hành hương Tam Ðảo. Cuộc gặp gỡ với chính quyền và cuộc họp mặt tại Tòa Ðại Sứ Ðức ở Hà Nội cũng được lên kế hoạch cho chuyến đi.
Một trọng tâm khác của chuyến đi Việt Nam là đến giáo phận Vinh, nơi gặp gỡ và trao đổi giữa Ðức Hồng Y Marx với Ðức Giám Mục Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Tại đây Ðức Hồng Y Marx đến thăm Ðền thờ Thánh Antôn thành Padua, là một trong những địa điểm hành hương quan trọng nhất ở Việt Nam đã được các linh mục người Pháp xây dựng vào vào cuối thế kỷ 19.
Tại thành phố Sài Gòn Ðức Hồng Y Marx đến thăm Trung Tâm Caritas đầu tiên của Việt Nam và tổ chức một cuộc thảo luận về tình trạng luật pháp và tình hình người lao động. Cụ thể cho vấn đề thảo luận Ðức Hồng Y Marx đến thăm một nhà máy dệt và một trường dạy nghề Mai Sen, cũng như ngài có một bài phát biểu trước Phòng Thương mại.
Tại thành phố Sài Gòn sẽ có một cuộc nói chuyện về vấn đề mục vụ gia đình của Giáo Hội Việt Nam được đưa vào chương trình nghị sự của chuyến viếng thăm. Giáo Hội tại Việt Nam xác định mục vụ gia đình như là một trọng tâm quan trọng của công việc của họ khi đối mặt với sự biến đổi xã hội.
Quan trọng đối với Giáo Hội địa phương ở Sài Gòn, Ðức Hồng Y Marx đến thăm một tu viện cổ đã có dấu ấn 175 năm ở Thủ Thiêm của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá, nơi đang gặp rất nhiều khó khăn về việc bảo vệ đất đai của Giáo Hội, gồm 3 trường học được xây dựng từ thập niên 1960 là trường Nữ Thủ Thiêm, trường Nam Thủ Thiêm và trường Nữ thánh Anna với tổng diện tích 4,000 mét vuông.
Chuyến thăm Việt Nam 10 ngày của Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ðức, Ðức Hồng Y Reinhard Marx được đặt với tiêu đề "Starkung der Ortskirche" - "Nâng đỡ Giáo Hội địa phương".

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn