KHÔNG THỂ TỐT HƠN Khi người Do Thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông Gio-an: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” (Ga 1,19-20) Suy niệm: Trước lối sống thánh thiện khắc khổ của vị ngôn sứ trong hoang địa, trước lời rao giảng kêu mời sám hối bên bờ sông Gio-đan, người đương thời với ông Gio-an Tẩy Giả đã đặt câu hỏi: “Ông là ai?” Đây là cơ hội thuận tiện để ông Gio-an lên tiếng làm chứng: Ông không phải là Đấng Ki-tô, ông chỉ là tiếng hô để dọn đường cho Đấng ấy, thậm chí không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Ngài. Nhờ lời chứng quý giá ấy của ông mà nhiều người đã nhận ra Đấng Ki-tô và tin theo Ngài. Tựa như ông Gio-an Tẩy Giả, cha Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê cũng khiến người ta câu hỏi “Ông là ai?” khi chọn chết thay cho người bạn tù trong trại tập trung Đức Quốc Xã. Nhờ sự hy sinh cao cả này, cha đã giúp người khác nhận biết mình là một linh mục Công Giáo. Cũng vậy, người ta sẽ nhận biết chúng ta là môn đệ Chúa Ki-tô hay là sứ giả của Lòng Thương Xót Chúa khi ta dám sống yêu thương như vậy. Mời Bạn: Rao giảng Tin Mừng bằng lối sống yêu thương không phải là phương pháp mới mẻ gì, bởi Chúa Ki-tô đã từng nêu gương cho chúng ta bằng một tình yêu đến cùng với Chúa Cha và với nhân loại. Như thế, khả năng làm chứng phụ thuộc vào mức độ mà chúng ta sống yêu thương với người khác như thế nào. Sống Lời Chúa: Mỗi ngày hãy cố gắng duy trì một việc bác ái với tâm nguyện trở nên thương xót giống Chúa Cha. Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng giầu lòng xót thương, xin cho con dám quên mình vì người khác để được nên giống Chúa hơn. Amen.
THÁNH BASILIÔ CẢ VÀ THÁNH THÁNH GRÊGÔRIÔNAJANÔ GIÁM MỤC TIẾN SĨ THÁNH BASILIÔ CẢ GIÁM MỤC TIẾN SĨ (329-379)
Thế kỷ thứ IV, Giáo hội phải trải qua những cơn khủng hoảng ghê gớm. Đây là lúc xẩy ra những cuộc bút chiến sôi nổi và tranh luận nẩy lửa giữa Giáo hội Chúa và lạc giáo Ariô, một bè rối phủ nhận Thiên Tính của Chúa Giêsu. Một trong những dũng tướng đứng ra tranh đấu cho lẽ phải và chân lý đức tin là Đức Giám mục Basiliô Cả.
Ngài xuất thân từ một gia đình trâm anh thế phiệt thuộc thị trấn Hêlênôpôngtô nước Hi Lạp. Gia đình ngài có tất cả mười anh em, trong đó có Đức Grêgôriô Giám mục thành Nyssê, Phêrô Giám mục quản nhiệm giáo phận Sêbastê, còn những người kia ai nấy đều đành phận một bề. Basiliô được song thân cho theo đuổi bút nghiên từ rất sớm. Sẵn có khiếu thông minh và tinh thần hiếu học, Basiliô tiến rất nhanh trên đường học vấn. Có thể nói ngài là một vĩ nhân uyên kim bác cổ, thông thạo phong tục nhiều nước, có khiếu thẩm mỹ văn chương và khoa học. Sau khi qua học ở những trung tâm văn hoá danh tiếng nhất thời đó như Cêsarê. Côntantinôpôli và Nhã-điển (Athènes), Basiliô bắt đầu nghiên cứu về thần học nhờ sự hướng dẫn của tu viện trưởng Porphiriô, một nhà thần học lỗi lạc thời đó. Để dễ thông cảm với Chúa trong khoa học thánh, ngài đã giữ một đời sống rất thanh tịnh và khắc khổ. Ngài chỉ ăn rau cỏ và uống nước lã. Ngài cũng rất hâm mộ Thánh kinh và ước ao được đi viếng những di tích nơi Thánh địa. Dự định của ngài đã được cha tu viện trưởng chấp thuận. Và một ngày kia sau khi lĩnh phép lành của bề trên, ngài vui sướng ra đi trong ánh nắng tươi đẹp của buổi ban mai. Trong cuộc hành hương này ngài có ghé thăm nhà triết lý danh tiếng Êubulê nhằm mục đích tranh luận với ông về vấn đề tôn giáo. Sau ba ngày trao đổi tư tưởng, thánh nhân đã thuyết phục được triết gia Êubulệ Ông này được ánh sáng Chúa đến thức tỉnh, đã bán hết gia tài làm phúc cho kẻ nghèo và cùng với thánh nhân hành hương sang Giêrusalem. Cả hai cùng muốn được diễm phúc chịu phép rửa tội ở sông Giođanô nơi Chúa Giêsu đã chịu phép rửa hồi xưa.
Đặt chân tới đất thánh, hai vị lần lượt đi viếng những di tích thánh. Sau đó, cả hai cùng đến bái kiến Đức Giám mục Mácximô. Trông thấy Basiliô, con người có khuôn mặt thông minh, lời nói khiêm tốn và trang phục đơn sơ, Đức Giám mục biết ngay đó là người rồi đây Chúa sẽ uỷ thác cho một trách nhiệm cao cả. Tương truyền khi Đức Giám mục rửa tội cho Basiliô ở sông Giođanô thì tự nhiên có một đám lửa tự trời đổ xuống. Trong đám lửa, người ta thấy xuất hiện một chim bồ câu bay liệng vỗ cánh xuống mặt nước rồi vút bay lên thinh không. Trước điềm lạ này, ai ai cũng bỡ ngỡ và đoán Chúa sẽ dùng Basiliô để thi hành sứ mệnh siêu nhiên.
Quả thế, sau cuộc hành hương Rôma, Basiliô được Đức Giám mục thành Antiôkia phong chức phụ tế. Với chức vụ mới, thầy Basiliô tận tụy rao giảng chân lý, đem nhiều người trở về làm con thảo của Chúa. Nhờ đời sống gương mẫu, và lòng nhiệt thành. Thầy đã nhóm lên trong lòng nhiều người ngoại giáo ngọn lửa đức tin và đem lại cho họ đời sống siêu nhiên. Sau một thời gian, Đức Giám mục Hêmôgênô quản nhiệm giáo phận Cêsarê gọi ngài chịu chức linh mục. Thấy tài đức siêu vời của ngài, ai cũng quý mến và tin chắc ngài sẽ làm Giám mục. Nhưng cũng có một số anh em tu sĩ ghen ghét và nói xấu ngài. Chính vì thế ngài xin đến tĩnh tu trong sa mạc Pôntê gần sông Iris. Thánh Grêgôriô cùng sống với thánh nhân trong những năm tĩnh tu tại sa mạc đã thuật lại nếp sống khắc khổ và đạo đức của ngài như sau: "Basiliô sống trong một lều tranh vách đất, chơ vơ giữa sa mạc. Món ăn chính của ngài là bánh khô và nước lã". Mặc dầu mai danh ẩn tích trong sa mạc, nhân đức của ngài cũng lan toả khắp nơi. Nhiều tu sĩ thường đến xin thánh nhân chỉ bảo đường lối tu đức và ban cho những lời giáo huấn quý hoá. Thấy đời sống của ngài có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng, những người lạc giáo ghen ghét, bạc đãi và vu khống cho ngài nhiều điều xấu.
Họ còn nhờ uy thế của Hoàng đế Valens mà uy hiếp người Công giáo, nhất là tín hữu giáo phận Cêsarê. Trong hoàn cảnh đau thương này, thánh nhân được triệu về tranh đấu với bọn lạc giáo. Đầy ơn Thánh Linh, ngài xuất hiện như một vì sao sáng, một dũng tướng nêu cao uy quyền Giáo hội, mặc dầu phải chịu nhiều gian truân và những lời đe doạ đầy sát khí của bạo vương Valens.
Khi Đức Giám mục Êusêbiô băng hà, thánh Basiliô được bầu làm Giám mục quản nhiệm giáo phận Cêsarê. Với tài cao đức rộng, Giám mục Basiliô thu lượm được nhiều kết quả mỹ mãn, nhất là trong công việc tranh đấu với bạo vương Valens. Tuy làm Giám mục, nhưng thánh nhân không bao giờ quên nghĩ đến người nghèo khổ và kẻ bệnh hoạn, ngài thường tới thăm bệnh nhân trong các bệnh viện. Chính ngài mang đồ ăn thức uống, rửa vết thương và uỷ lạo họ. Trước những cử chỉ cao thượng và đầy tình âu yếm của người cha hiền, nhiều người cảm động, mắt rướm lệ nói với nhau: "Chúng ta phải bắt chước Đức Giám mục thi hành đức thương yêu và xả kỷ đối với nhau". Thấy ảnh hưởng của thánh nhân ngày một lan rộng trong giai cấp trí thức cũng như phái bình dân, bạo vương Valens tìm cách triệt hạ thánh nhân và chiếm chủ quyền giáo phận Cêsarê. Sau khi thiêu sống 80 linh mục trong một chiếc tầu ngoài biển, Valens cho các tướng mang nhiều quân lực và hình phạt đến để dọa và thuyết phục Đức Giám mục. Nhưng với tấm lòng trung kiên và can đảm, ngài không bao giờ nhượng bộ yêu sách của địch thủ. Sau cùng bạo vương phái Môđêtô một cảnh sát trưởng có tiếng là mưu mô và hung ác tới gặp thánh nhân. Và đây là cuộc tranh luận giữa Môđêtô và Đức Giám mục.
Mặt hằm hằm tức giận, Môđêtô xông tới nói với Đức Giám mục: "Ác nhân, ngươi ở đâu tới đây? Ngươi dám phản Hoàng đế được sao ? ".
- Với nét mặt bình thản nhưng giọng nói đanh thép, Đức Giám mục Basiliô trả lời: "Tôi không hiểu tại sao ngài lại gọi tôi là ác nhân ? ".
- Mọi người đều tuân lệnh Hoàng thượng. Chỉ có ngươi dám khinh miệt Hoàng thượng.
- Tôi phản đối những ai bất tuân lệnh Chúa, tôi cương quyết vâng lời Thiên Chúa, và nhất định phản đối những kẻ vi phạm luật Chúa. Ông nghĩ thế có phải không?
Biết rằng cứng rắn chắc không có kết quả, Môđêtô quay ra đấu dịu:
- Đức giám mục hãy tuân lệnh Hoàng đế đi, như vậy ngài sẽ có danh vọng và chúng ta sẽ cùng chung một tín ngưỡng, và nên bằng hữu với nhau.
- Phải, tôi muốn kết thân với ông lắm, nhưng không phải để ủng hộ chương trình của Hoàng đế và bọn lạc giáo Ariô.
Tôi muốn ông cũng như trăm nghìn tín hữu công giáo sống trong tay đoàn chiên của tôi, dưới cánh tay nâng đỡ của tôi. Chúng tôi kính yêu người công giáo không phải vì chức cao quyền trọng nhưng vì tín ngưỡng chân thật và tâm hồn trong trắng của họ. Tôi biết ông là một trong những sĩ quan danh tiếng cao cấp của Hoàng đế. Nhưng tôi tin chắc rằng tất cả danh vọng và quyền cao chức quý đó không làm cho ông sung sướng bằng tôi là người thờ phượng Thiên Chúa.
Môđêtô lại mất bình tĩnh, hắn nổi nóng và dọa sẽ tịch thu tài sản, phát lưu và hành quyết thánh nhân. Nhưng Đức Giám mục Basiliô vẫn bình tĩnh trả lời: "Môđêtô, ông đừng tưởng rằng ông dọa nạt mà có thể lung lạc được tôi. Nếu tôi không có tài sản thì ông tịch thu cái gì? Nếu cả thế giới chỉ là nơi lưu đầy thì ông sẽ phát lưu tôi đi đâu?
Tôi không có một quê hương nào khác ngoài thiên đàng. Tôi không sợ hình phạt vì thân xác hèn mọn này đã suy nhược.
Tôi không sợ chết vì có chết tôi mới có thể đến với Đấng tôi yêu mến là Chúa tạo thành vũ trụ ".
- Môđêtô bỡ ngỡ nói: "Ta chưa hề gặp một ai gan dạn như người ".
- Thánh nhân trả lời: "Phải, có lẽ thế, vì ông chưa đàm luận với một Giám mục nào khác. Trong những vấn đề khác chúng tôi rất khiêm tốn. Nhưng khi đề cập đến đức tin công giáo và sự kính thờ Chúa Giêsu thì chúng tôi không bao giờ nhượng bộ; chúng tôi không bao giờ được phép làm ô danh uy quyền Thiên Chúa ".
Sau đó, Môđêtô về tường trình công việc cho Hoàng đế. Bọn lạc giáo sửa soạn xe cộ và khí giới phát lưu thánh nhân. Nhưng chính đêm đó thì hoàng tử của bạo vương Valens lâm bệnh nặng. Hoàng hậu Đôminica lo sợ, nghĩ đó là hình phạt của Thiên Chúa nên đã đến xin Hoàng đế đến thương thuyết với thánh nhân. Hoàng đế cho mời Giám mục Basiliô đến và nói: "Nếu tín ngưỡng của ông phải, thì ông hãy nguyện xin Thiên Chúa cho con tôi thoát chết ". Thánh nhân trả lời:
"Nếu Hoàng đế tin theo tôi và để cho Giáo hội công giáo được an bình, thì con Hoàng đế sẽ khỏi ". Rồi với tâm tình sốt sắng thánh nhân sấp mình cầu nguyện xin Chúa cứu sống hoàng tử. Dầu vậy, Hoàng đế Valens vẫn không thật lòng trở lại. Để tránh tiếng, ông còn cho người rước Giám mục Ariô đến giải tội và cầu nguyện cho hoàng tử. Nhưng khốn nạn thay, vừa chịu phép rửa xong thì hoàng tử đã lăn ra chết, trước thảm cảnh đó, Hoàng đế rất buồn nhưng lại không muốn phật ý các Giám mục rối. Ông đã chấp thuận kiến nghị của họ và ký giấy phát lưu thánh nhân. Nhưng lạ thay, khi Hoàng đế cầm bút châu phê thì bút không xuống mục. Hoàng đế phải thay ngòi đến ba bốn lần mà cũng không thành công, cầm ấn tín thì ấn tín gẫy tung. Thấy thế Hoàng đế hoảng sợ và cảm thấy chính Thiên Chúa đã giơ tay ngăn cản công việc của mình. Ông bèn huỷ bỏ kiến nghị của các Giám mục Ariô và để cho thánh Basiliô được tự do truyền giáo. Từ đó uy danh thánh Giám mục mỗi ngày một lừng lẫy. Ngài truyền giáo không những bằng gương sáng và lời rao giảng mà còn bằng nhiều phép lạ. Sau đây là hai trường hợp tiêu biểu.
Một phụ nữ goá chồng kia đã nghe theo tiếng gọi của dục tình, lao mình sống một đời trụy lạc. Một ngày kia Chúa Giêsu đến thân hành gõ cửa lòng con người tội lỗi đó. Nhờ ơn Chúa giúp, nàng ăn năn thống hối các tội đã xưng. Dầu vậy, nàng vẫn bối rối lo sợ mình chưa được khỏi. Nàng liền viết tất cả các tội trọng trên một tờ giấy, rồi đến xin thánh nhân cầu nguyện Chúa tỏ dấu tha thứ bằng cách xoá các chữ đã viết. Tay cầm tờ giấy, thánh nhân ngước mắt cầu nguyện, bỗng nhiên các chữ biến mất. Từ đó quả phụ kia được yên tâm sống đời lành thánh.
Lần khác, bạo vương Valens hạ lệnh cho tín hữu Ariô chiếm một ngôi thánh đường ở thành Nicêa. Trước quyền lực và uy thế của bạo vương, người công giáo không biết làm gì hơn là chạy đến xin Đức Giám mục Basiliô can thiệp. Thánh nhân liền thân hành đến đàm luận với bạo vương. Ngài nói: "Thưa Hoàng đế, để giải quyết vấn đề này, chúng ta hãy ký giấy giao kèo hoàn toàn tuân theo ý Chúa định đoạt. Hoàng đế hãy hạ lệnh đóng chặt cửa thánh đường lại rồi cho các tín hữu của Hoàng đế ở ngoài cầu nguyện. Nếu tự nhiên cửa nhà thờ mở ra thì thánh đường thuộc về Hoàng đế. Nếu cửa nhà thờ vẫn đóng mà dân công giáo chúng tôi cầu nguyện cửa lại mở ra thì tất nhiên thánh đường thuộc sở hữu chúng tôi ". Hoàng đế Valens ký giấy giao kèo rồi ngạo nghễ đứng chứng kiến sự việc xẩy ra. Ông có ngờ đâu thắng lợi sau cùng lại đưa về cho thánh Giám mục. Trước phép lạ này nhiều người thuộc phái Ariô đã xin trở lại Công giáo. Tuy nhiên bạo vương Valens vẫn cương quyết dùng quân lực chiếm đóng nhà thờ! Hành động ngang tàng và cố chấp của ông đã được trả lại bằng một giá rất đắt: tại đây ông bị quân Đức đánh thua và bắt về giam cầm.
Thánh Basiliô còn làm phép lạ cứu rỗi các linh hồn cả trên giường bệnh. Số là, khi bị liệt giường, thánh nhân cho gọi một thầy lang cao tay đến bắt mạch. Sau khi xem mạch thầy lang quả quyết ngài sẽ chết trước khi mặt trời lặn. Thánh nhân nói với thầy lang: "Nếu đến mai tôi còn sống thì ông sẽ hứa gì với tôi ?".
Không thể được. Nếu mai ngài còn sống thì tôi xin tòng giáo. Với lòng tin tưởng, thánh nhân cầu nguyện xin Chúa cho mình sống để dẫn một linh hồn về với Chúa. Ngày hôm sau thánh nhân vẫn còn sống và ngài thân hành đến làm phép rửa cho thầy lang và cả gia đình của ông. Sau đó thánh nhân về giường khuyên bảo mọi người hãy tận tâm làm tôi Chúa. Dứt lời, thánh nhân êm ái trút linh hồn trở về thiên quốc ngày 14-1-378.
Ghi niệm đời sống thánh Basiliô, nhiều tác giả đã xưng tụng ngài là "đuốc thiêng của Giáo hội, nhãn quan của tín hữu, sứ giả hoà bình ".
Thánh Basiliô quả xứng đáng là đuốc thiêng soi dẫn chúng ta trên con đường tìm Chúa và phụng sự Người vậy.
THÁNH GRÊGÔRIÔ NAJANÔ GIÁM MỤC TIẾN SĨ (330 -389)
Chúng ta biết khá rõ về cuộc đời thánh Grêgôriô Najanô nhờ một số lớn thư từ ngài để lại và những văn liệu trong Giáo hội nói về ngài, nhưng đặc biệt nhất là nhờ một tập tự thuật khá dài trong đó ngài kể lại những hoạt động, niềm vui và các thử thách ngài trải qua từ buổi thiếu thời cho đến khi rời bỏ Côntantinôpôli Grêgôriô sinh khoảng năm 330 tại Ajiacê một xóm nhỏ gần thành Najanô là một tỉnh nhỏ ở phía tây nam xứ Cappađôcia thuộc Tiểu Á (nay là Thổ Nhĩ Kỳ). Thân phụ Grêgôriô trước kia đã làm Giám mục thành Najanô là một người lương thiện được mọi người kính trọng; cụ theo ngoại giáo lâu năm mãi tới năm 325 mới trở lại công giáo; vừa trở lại được mấy hôm, người ta đã bầu cụ làm Giám mục chính tỉnh Najanô. Bà Nonna thân mẫu Grêgôriô là một người đàn bà đạo hạnh rất đáng kính. Chẳng thế mà Grêgôriô đã viết về cha mẹ ngài với môït giọng điệu đầy mến phục như sau: "Để khởi đầu câu truyện, tôi phải nói rằng tôi đã được một người cha rất lương thiện đáng nên gương cho mọi người; ngài có đức tính cao quý đặc biệt, chứ không phải chỉ có vẻ đạo đức bề ngoài như ngày nay ta thường thấy đâu… Còn mẹ tôi, tắt một lời, thực xứng đáng là bạn của một người như cha tôi; đức tính của mẹ tôi chẳng kém gì cha tôi; người xuất thân ở một gia đình đạo đức; người lại còn đạo đức hơn mọi người trong gia đình nữa ". Hai ông bà sinh hạ được ba người con: một gái với hai trai.
Trong khung cảnh gia đình tốt đẹp ấy, Grêgôriô được hấp thụ một nền giáo dục công giáo hoàn toàn, khiến lòng đạo đức của ngài triển nở cùng một nhịp với những kiến thức học hành.
Từ bé, Grêgôriô đã rất say mê văn chương và khoa hùng biện Hi lạp. Nhưng cũng không bao giờ ngài dám trọng văn chương Hi lạp hơn Kinh thánh. Trái lại ngay từ thiếu thời người ta đã thấy Grêgôriô chủ trương dùng nghệ thuật hùng biện Hi lạp cũng như văn chương ngoại giáo để phụng sự chân lý.
Theo thói quen thời đó, sau khi đã qua giai đoạn giáo dục sơ đẳng ở nhà, Grêgôriô xuất dương để tìm những giáo sư danh tiếng. Người ta thấy trang thanh niên tuấn tú ấy lần lượt qua những trung tâm trí thức danh tiếng của thời đại như: Cêjarê Cappađônia, Cêjarê Palestina, Alêxanđria Ai cập. Và nhất là Nhã điển, một trung tâm văn hoá lớn nhất đã thu hút các sinh viên khắp vùng Địa Trung Hải. Tại Nhã điển, Grêgôriô đã kết thân với Basiliô một người mà ngài nhìn nhận là khôn ngoan nhất, có học thức và đời sống trổi vượt mọi người. Hai người đã nên bạn tri kỷ với nhau trong một mối tình khăng khít và thắm thiết hiếm có.
Theo thói quen thời ấy, mặc dầu đã lớn tuổi, Grêgôriô vẫn chưa chịu phép rửa tội. Dầu vậy, trong suốt thời gian học tập, ngài vẫn giữ một đời sống luân lý đứng đắn.
Mãn học Grêgôriô cùng với Basiliô định ngày đáp tầu về quê. Khi tàu sắp rời bến, Basiliô đã bước xuống tầu rồi mà Grêgôriô thì còn dùng dằng với các bạn. Sau cùng ngài đã bị họ giữ lại, một phần vì tình bạn lưu luyến, một phần vì họ không muốn để một kinh thành vinh quang như Nhã điển phải mất một con người mà họ sắp tặng cho huy hiệu là:"Nhà hùng biện biệt tài ".
Grêgôriô ở lại dạy khoa hùng biện tại Nhã điển ít lâu. Lúc đó ngài đã ngót ba mươi tuổi. Rồi một hôm ngài bí mật xuống tầu về quê. Khi tới quê, Grêgôriô được mời diễn thuyết trước công chúng theo thói quen thời đó. Tài hùng biện của ngài làm phấn khởi anh em đồng bào. Tuy nhiên cuộc đời thế tục hời hợt chỉ lo nói khéo và hành văn như vậy đã để lại trong lòng ngài một trống rỗng. Grêgôriô nghĩ tới một đời sống cao thượng hơn, và đến bấy giờ ngài mới chịu phép rửa tội có lẽ do chính thân phụ đã làm cho.
Tuy khát vọng sống cao thượng hơn, nhưng vốn bản tính hay do dự, Grêgôriô phân vân chưa biết chọn đường nào. Người ta thấy ngài lưỡng lự, và suy tính đắn đo hơn thiệt: muốn sống ẩn tu trong sa mạc nhưng phải bỏ học hành; ngài thích suy niệm trầm lặng và ở xa mọi người nhưng lại vướng phải mối bận tâm khác là cha mẹ khẩn khoản xin ngài săn sóc hai cụ trong tuổi già yếu. Sau bao nỗi phân vân, ngài quyết định đến gặp Basiliô lúc bấy giờ đang tổ chức một tu viện nhỏ trên bờ sông Iris. Đôi bạn tri kỷ cùng hăng hái giúp nhau tiến bước trên đường tu hành sốt sắng. Sau này với một giọng đầy xúc động, ngài năng nhắc lại quãng đời êm đẹp và sốt sắng ấy.
Ít lâu sau, có thư của thân phụ gọi Grêgôriô về sống gần cụ. Là một Giám mục tuổi tác nên cụ muốn Grêgôriô cộng tác với mình trong việc chăm sóc đoàn chiên Najanô. Grêgôriô chưa có chức linh mục mà cũng chẳng bao giờ nghĩ đến việc làm linh mục nữa. Nhưng vì cha già ép uổng mãi, Grêgôriô đành lòng lãnh nhận chức thánh. Sau khi chịu chức linh mục rồi, không hiểu vì có chuyện gì bất bình tức giận với thân phụ, Grêgôriô bỏ nhà đến ở với Basiliô một thời gian. Một lần nữa cụ thân sinh tuổi tác lại năn nỉ triệu vời Grêgôriô về giúp cụ. Tình hiếu tử đã khiến ngài gạt lệ ra về.
Từ đấy Grêgôriô tận tụy giúp cha già trông coi giáo phận.
Trong khi đó Giáo hội miền Tiểu Á vẫn luôn luôn phải đối phó với những trở ngại và bách hại do bè phái Ariô gây nên. Basiliô bạn của Grêgôriô bấy giờ làm Giám mục chính toà Xêjarê, nghĩa là các giáo phận trong toàn tỉnh Cappađônia phải tùy thuộc toà Giám mục này. Vậy mà Hoàng đế Valens người theo lạc giáo Ariô, vịn vào lý do chính trị và kinh tế quyết định chia đôi tỉnh Cappađônia. Việc phân chia đó đã làm cớ cho một số Giám mục nấp bóng chính quyền để làm khó dễ cho Giám mục Basiliô. Thêm vào đó lại có một số Giám mục trong tỉnh mới này không tuân phục Basiliô; họ đặt một Tổng Giám mục khác tên là Antimê, một người có tính tàn bạo vô luân và có khuynh hướng lạc giáo. Để chống lại ảnh hưởng của Antimê, Đức Giám mục Basiliô phải thiết lập nhiều giáo phận nhỏ khác uỷ cho các Giám mục còn trung thành với đức tin Công đồng Nicêa.
Ngài muốn trao toà Giám mục Sasimê cho bạn Grêgôriô trông coi. Nhưng phải làm sao cho Grêgôriô thụ phong Giám mục.
Thế là Giám mục Basiliô tính toán với thân phụ Grêgôriô để gây một áp lực tâm lý bắt Grêgôriô làm Giám mục.
Grêgôriô do dự rồi cũng ưng thuận và thụ phong do chính tay Basiliô truyền chức. Nhưng sau khi thụ phong rồi ngài mới nhận định rõ cảnh ngộ mình và bắt đầu phàn nàn luyến tiếc vì phải làm Giám mục. Ngài càng buồn hơn nữa vì phải trông coi "vùng Sasimê là một thôn nhỏ cô liêu, nguy hiểm, thiếu mọi tiện nghi… Ở đấy thiếu cây và không có vẻ đẹp nào quyến rũ con người tự do như Grêgôriộ Đó là một làng nhỏ hẹp, bẩn thỉu, đầy bụi, rộn rịp tiếng xe cộ, tiếng khóc than rền rĩ, tiếng người thu thuế và tiếng dụng cụ để hành hạ như xiềng xích. Dân cư là khách lạ qua đường và là hạng du côn. Đó là giáo đoàn xứ Sasimê nơi mà Basiliô định trao cho tôi". (Trích Tự thuật).
Bất mãn với chức vụ mới và từ chối không chịu nhận xứ Sasimê, Grêgôriô lại trốn đi như lần trước. Thân phụ phải năn nỉ và đe doạ nhiều phen, nên sau ít lâu ngài trở về giúp cha trông coi giáo phận. Năm 374, khi cha ngài qua đời, ngài trốn đến Cêlêucia trong xứ Isauria vì sợ giáo hữu chọn mình làm Giám mục kế vị cha ngài.
Khi Grêgôriô đang lẩn trốn thì giáo hữu đến xin ngài nhận coi sóc một giáo đoàn ở thành Côntantinôpôli. Nơi đây ngài sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn cản trở của bè phái Ariô. Ngài rất có thể bị bọn đồ đệ cuồng nộ của Ariô ám sát. Dầu vậy ngài can đảm nhận sứ mệnh khó khăn bất lợi ấy.
Vừa đặt chân lên đất Côntantinopôli, ngài đã bị dân chúng ném đá, vu oan; họ còn dám tố cáo ngài ở toà án về tội sát nhân. Các giáo hữu của ngài chỉ còn một nhóm, thế mà cũng chia năm bè bẩy mối. Lúc Valens băng hà và Thêôđôsiô kế vị thì những người theo phái Ariô cũng vẫn chưa thôi tung hoành thống trị. Họ tìm cách giết Giám mục Grêgôriô.
Ngày kia chính tên sát nhân được họ cử đến ám sát ngài lại quỳ xuống trước mặt ngài thú tội và xin lỗi, vì trước khi hắn định xông vào giết ngài, hắn bỗng cảm thấy bị lương tâm cắn rứt. Có lúc giám mục Grêgôriô đã tính đến truyện rút lui khỏi Côntantinopôli, nhưng các tín hữu nài xin ngài ở lại. Dần dà nhờ sự nâng đỡ của thượng vị Thêôđôsiô, và nhờ hoạt động đi đôi với gương mẫu đời sống hy sinh khiêm tốn, đạo đức của Giám mục Grêgôriô, giáo đoàn nhỏ bé này đã trở nên sầm uất, nhiều người trở lại đức tin công giáo và tà thuyết Ariô cũng dịu dần. Công lao của Đức Giám mục Grêgôriô trong công cuộc này thực không phải là nhỏ.
Năm 381 Công đồng chung thứ hai họp ở Côntantinopôli, Grêgôriô được cử lên chức Giám mục chính toà thành này và giữ ghế chủ tọa Công đồng. Sau ít lâu, mấy Giám mục trong hội nghị cãi nhau và cho rằng Đức Giám mục Grêâgôriô được bầu lên không hợp pháp. Khi Giám mục Mêlêcê do một số Giám mục bầu lên chủ toạ công đồng ly trần, sự xung đột càng căng thẳng, nhiều khi chỉ vì những lý do vụn vặt. Với tư cách là Giám mục Côntantinopôli, Grêgôriô cố sức dàn xếp để các Giám mục đoàn kết với nhau, nhưng cũng vô hiệu. Vì lòng khiêm tốn và yêu chuộng hoà bình, ngài bèn từ chức lui về xứ Cappađôcia. Việc ngài rút lui thực đáng cảm phục. Nhân dịp đó ngài đọc một diễn văn rất đặc sắc biểu lộ tinh thần hy sinh và khiêm tốn của ngài đến mực nào: "Thưa các ngài, là những người đã được Thiên Chúa triệu tập tới đây để quyết nghị những điều vừa ý Chúa, xin các ngài hãy thông qua những vấn đề liên hệ riêng đến bản thân tôi… Xin các ngài hãy tư tưởng cao thượng hơn, hãy đoàn kết thoả hiệp với nhau, tuy rằng giờ đây đã muộn…
Về phần tôi khác nào phát ngôn nhân Giona: tôi tự hiến để cả con tầu được thoát nạn, dù tôi không gây nên giông tố, tội vạ đổ trên đầu tôi, hãy bắt lấy tôi quăng xuống biển cả; một quái vật từ vực sâu sẽ đón nhận tôi. Ước gì hành vi này mở đầu cho việc đoàn kết của các ngài, rồi sau đó hãy tính chuyện khác… Nếu các ngài xô sát nhau chỉ vì câu chuyện của tôi, tôi coi việc các ngài tranh luận xem ai sẽ cai quản Côntantinopôli là một điều ô nhục. Nếu các ngài muốn thế, chả khó gì: tôi xin để người khác thế chân Giám mục và vui lòng bỏ toà ngay bây giờ; đàng khác, sức khoẻ của tôi cũng là lý do khiến tôi nên từ chức… "
Sau đó ngài đệ đơn lên Hoàng đế xin từ chức và được chấp thuận. Ngài về Cappađônia là quê tổ và tạm coi sóc giáo đoàn Najanô vẫn chưa có Giám mục. Khi giáo đoàn này bầu được chúa chiên thì ngài trở về quê hương ở Ajian sống ẩn dật và khắc kỷ. Nơi đây trong những ngày cuối cùng giữa cảnh thanh bình chuyên chú cầu nguyện và tu đức, ngài có giờ viết cuốn " Tự thuật " và sáng tác thi ca. Năm 390 ngài ly trần bằng an trong Chúa, để lại cho Giáo hội một sự nghiệp văn chương và tín lý gồm: 45 bài suy luận thần học và điếu văn, 245 bức thư và mấy tập thi ca. Trong những tác phẩm đó, qua lời văn rất chải chuốt, người ta đọc thấy những tư tưởng rất sâu sắc về ý nghĩa siêu việt và bất khả luận của Đấng Siêu Phàm.
Thực ra những tư tưởng rải rác của thánh nhân, chẳng qua chỉ là những tư tưởng mà chính ngài đã thực hành trong đời sống. Và nó đã mô tả đúng được chân dung của ngài. Đó là hình ảnh của một người hằng phục tùng trong đau khổ và sốt sắng ngưỡng mộ cái "Đẹp" thuần túy, Ánh Sáng Độc Nhất và cũng chính là Ba Ngôi Thiên Chúa. Đó là Ánh Sáng, mà theo lời thánh nhân, người đời chỉ lĩnh hội được, khi họ đã biến thành ánh sáng và khi họ đã tẩy rửa linh hồn cho thanh tịnh.