I. NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA MÙA VỌNG:
1. Nguồn gốc Mùa Vọng:
Từ “Mùa Vọng” bắt nguồn từ thuật ngữ Latin Adventus, nghĩa là việc đến một nơi hoặc một thời điểm nào đó. Vì vậy, Mùa vọng thường được hiểu như thời gian đợi chờ biến cố Giáng Sinh. Mùa vọng quy chiếu về việc Chúa đến theo hai nghĩa liên hệ nhau trong lịch sử cứu độ: (1) sự kiện nhập thể của Giêsu vào cung lòng Đức Mẹ tại Bêlem xứ Giuđê; (2) biến cố Thiên Chúa đến vào ngày Chung Thẩm để phán xét kẻ sống và kẻ chết.
Liên quan đến sử tính của Mùa Vọng, các sử gia cũng không biết chính xác vào thời điểm nào Mùa Vọng được ấn định vào năm Phụng Vụ của Giáo Hội. Tuy thế, theo một số học giả về phụng vụ, có tối thiểu hai giả thuyết về nguồn gốc của Mùa Vọng. Trước hết, một số học giả lập luận rằng mùa vọng khởi đầu tại Tây Ban Nha vào năm 380. Cuối thập niên thứ IV sau Chúa Giáng Sinh, Công đồng Saragossa ban hành sắc lệnh yêu cầu các Kitô hữu đến với nhau hàng ngày để ca tụng và phụng thờ Thiên Chúa từ 17/12 cho đến 06/01. Tuần lễ đầu tiên của giai đoạn này tương ứng với lễ hội Saturnalia của người Rôma, một đại lễ kéo dài từ 17/12 cho đến 23/12 cử hành việc thờ phượng Saturn – một vị thần bảo trợ mùa màng và nông nghiệp. Với mục đích ngăn chặn Kitô hữu tham dự những nghi thức thờ cúng ngẫu tượng Saturn, Công đồng Saragossa đã thay thế lễ hội này với một lễ nghi Kitô giáo nhằm tôn vinh Đức Kitô – Mặt Trời Công Chính và Ánh Sáng của Thế Giới (Gioan 8,12). Những văn bản của Công đồng, tuy nhiên, đã không đề cập đến nghi thức và việc cử hành phụng vụ của mùa vọng và Giáng Sinh.
Những dấu vết về nguồn gốc của mùa vọng cũng có thể được tìm thấy giữa thế kỷ thứ IV tại Gaul – Pháp. Vào thời điểm đó, Đức Giám Mục Perpetuus của địa phận Tours yêu cầu Kitô hữu giữ chay ba ngày một tuần – thứ hai, thứ tư, và thứ sáu, khởi đầu từ 11/11, lễ thánh Martin, cho đến lễ Chúa Giáng Sinh. Những tuần lễ giữ chay mừng lễ thánh Martin là thời gian đặc biệt Kitô hữu địa phận Tours hãm mình đền tội, với mục đích trở nên tôi tớ trung thành tỉnh thức trông chờ Giêsu đến. Trong suốt giai đoạn này, chủ đề Đức Kitô đến phán xét trong ngày Chung Thẩm được nhấn mạnh hơn biến cố Giáng Sinh của Giêsu tại Bêlem xứ Giuđê. Tuy nhiên, cả giám mục Perpetuus của địa phận Tours cũng như Công đồng Saragossa tại Spain (Tây Ban Nha) đã không đề cập bất cứ điều gì liên quan đến nghi thức phụng vụ của Mùa Vọng.
Vào thời điểm hiện tại trong lịch sử Giáo Hội, Mùa Vọng thường được quan niệm như là thời gian toàn thể Giáo Hội chuẩn bị đợi chờ Giêsu đến qua sự kiện Giáng Sinh và Hiển Linh. Mùa vọng bao gồm bốn Chúa nhật. Trong khi ba Chúa nhật đầu tiên đặt trọng tâm vào việc chuẩn bị Chúa đến lần thứ hai với lời loan báo của Gioan Tiền Hô, tiếng kêu trong sa mạc, mời gọi nhân loại chuẩn bị con đường của Đức Chúa, thì Chúa nhật cuối cùng của mùa vọng, kéo dài từ 17/12 cho đến 24/12, nhấn mạnh những tường thuật trong phúc âm của Luca và Matthêu liên quan đến biến cố Giáng Sinh của Giêsu tại hang đá Bêlem xứ Giu-đê.
2. Ý nghĩa Mùa Vọng:
Mùa Vọng là Mùa kỷ niệm thời gian chuẩn bị đón Chúa Kitô “đã đến” lần thứ nhất cách đây hơn hai ngàn năm. Mùa Vọng trước tiên là Mùa để chúng ta sống lại lịch sử ơn cứu độ trong cuộc đời mình, bắt đầu từ việc dân Do thái mong đợi và chuẩn bị Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để “giải phóng” họ khỏi ách nô lệ, đặc biệt là nô lệ tội lỗi. Isaia đã loan báo, Gioan Tẩy Giả đã dọn đường, dân chúng cũng đã chịu phép rửa sám hối để đón nhận Đấng Messia.
Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” lần thứ hai vào ngày tận thế. Ngày đó cũng là ngày “không ngờ”, ngày mà “Con Người sẽ ngự đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả” để xét xử phân minh. Tiêu chuẩn chính yếu của ngày chung thẩm không có gì khác hơn là tình yêu mến, là đức ái (Mt 25, 32-55).
Mùa Vọng là Mùa chuẩn bị đón Chúa Kitô “sẽ đến” viếng thăm vào cuối đời mỗi người chúng ta. Không ai biết được ngày giờ nào, vì thế, hãy chuẩn bị tâm hồn sẵn sàng. Như Chúa Giêsu nói với chúng ta: “Chúng con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì chúng con không biết lúc đó là lúc nào!” (Mc 13, 33). Thường xuyên suy gẫm về sự chết là cách thế hữu hiệu nhất để sống cách tốt nhất. Đức Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận chia sẻ cho chúng ta một kinh nghiệm quý báu: “Nếu tôi biết ngày mai mình sẽ chết, thì hôm nay tôi sẽ sống một ngày đẹp nhất.”
Thực tế, Mùa Vọng là mùa chúng ta chuẩn bị tâm hồn xứng đáng để mừng Lễ Giáng Sinh sắp tới. Mỗi người hãy hoán cải, sửa đổi và tu chỉnh cuộc sống không ngừng, để góp phần với Chúa làm cho cuộc sống trở nên chân thật hơn, khiêm tốn hơn, yêu thương hơn, cao đẹp hơn, an bình hơn, như tiên tri Isaia đã hô hào, như Gioan Tẩy Giả đã loan báo, như trong 2Pr 3, 9 đã nhắc lại: “Thiên Chúa kiên nhẫn đối với anh em; vì Ngài không muốn cho ai phải diệt vong, nhưng muốn mỗi người đi đến chỗ ăn năn hối cải.” Cần làm một cuộc trở lại cách đặc biệt trong Mùa Vọng này: trở lại với Chúa, trở lại với anh em, và trở lại với chính mình để đón nhận một sức sống mới.[1]
3. Vòng hoa Mùa Vọng:
Vòng hoa mùa Vọng, xuất hiện trong nhiều gia đình Công giáo, là một cách sáng tạo mới. Nó được bắt nguồn từ một thói quen của người Đức từ thế kỷ thứ XIX, nguồn gốc từ những người theo thuyết Luther (Lutheranism). Việc thực hành này mau chóng được người Công giáo Bavaria theo và phát triển ra khắp thế giới.[2]
Vòng hoa được nhiều nhà thờ và gia đình trang trí để nhắc nhớ đến Mùa Vọng, mùa chuẩn bị cho Chúa Giáng Sinh. Mỗi vòng hoa có 5 cây nến: 4 cây nến cho 4 Chúa Nhật dẫn tới ngày Lễ Giáng Sinh, và cây nến thứ 5,mầu trắng,dùng cho chính ngày Lễ Giáng Sinh. Trong 4 cây nến cho mỗi Chúa Nhật có 3 cây mầu tím tượng trưng choviệc thống hối; 1 cây nến mầu hồng biểu trưng cho niềm vui. Cây nến mầu trắng, ở chính giữa, được hiểu là cây nến của Chúa Kitô và chỉ được thắp lên vào ngày Lễ Giáng Sinh. Vòng hoa Mùa Vọng được kết bằng các nhánh cây thông xanh biểu trưng cho đời sống vĩnh cửu, sự sống muôn đời. Vòng tròn biểu hiệu cho tình yêu muôn đời của Thiên Chúa, không có lúc khởi đầu và không có lúc chấm dứt, cũng như cho sự bất tử của linh hồn.[3]
II. THÁI ĐỘ SỐNG TRONG MÙA VỌNG:
Kính thưa gia đình! Hướng về ngày Chúa đến buộc ta phải sống tỉnh thức và luôn luôn sẵn sàng như người tôi trung: hết lòng với nhiệm vụ được trao phó, tận dụng mọi khả năng của mình để hoàn thành mọi việc theo ý chủ nhà hiện đang vắng mặt và mau mắn mở cửa đón chủ về bất cứ lúc nào. Mùa Vọng chính là mùa tỉnh thức và cầu nguyện. Vậy sống trong thái độ tỉnh thức là sống như thế nào?
1. Tỉnh thức trước những bất ngờ:
Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Chúa sẽ đến nhưng ta không chắc chắn sẽ gặp được Người. Vì Người đến rất bất ngờ và rất âm thầm. Muốn gặp được Chúa ta phải tỉnh thức.
Tỉnh thức là gì ?Tỉnh thức có nghĩa là đừng mê ngủ. Chúa thường hay đến vào ban đêm nghĩa là vào lúc ta không ngờ, vào giờ ta không biết. Đời sống có những bóng đêm ru ta ngủ say mê, khiến ta không gặp được Người. Tội lỗi chồng chất giống như những tảng đá ghìm ta xuống vực sâu vô tận. Có những bóng đêm của danh vọng ru hồn ta ngủ quên trên vinh quang chói lọi. Có những bóng đêm của xác thịt cuốn hồn ta vào giấc mộng lạc thú. Lạc thú giống như chiếc lưới rất mềm mại, rất nhẹ nhàng, nhưng rất hiểm độc. Linh hồn đã sa vào khó có thể thoát ra. Có những bóng đêm của thói ích kỷ chỉ biết sống cho bản thân mình. Ích kỷ giống như một hang sâu, càng đi vào càng thấy tối tăm. Có những bóng đêm của tiền tài bao phủ ta trong giấc mộng giàu sang phú quí. Chìm đắm trong giấc mộng, ta sẽ chẳng nghe được bước chân Chúa đi qua.[4]
Tỉnh thức cũng có nghĩa là tỉnh táo phân định: Chúa không đến với chúng ta như một vị thủ tướng, một quan chức, …nhưng Người đến một cách âm thầm, bé nhỏ qua những người nghèo khổ, bất hạnh. Chúa đến qua những em bé lang thang nơi đầu đường cuối phố, nơi những cụ già đói rét không nhà cửa, … Chúa cũng đến qua những chọn lựa giữa cái tốt, cái xấu, cái nên làm và cái không nên làm. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thật tỉnh thức mới có thể nhận ra Người.
Tỉnh thức không có nghĩa chờ đợi mà luôn phải trong tư thế sẵn sàng bắt tay vào việc. Chúa như ông chủ đi vắng và giao cho chúng ta được toàn quyền trông coi tài sản và gia nhân của Ngài. Ngài trao cho chúng ta mỗi người mỗi công việc, chức vụ khác nhau…Theo nghĩa này, tỉnh thức là nhìn thấy những nhu cầu cầu anh chị em và đáp ứng cách kịp thời, đúng lúc. Mỗi người chúng ta được mời gọi nhìn lại xem chúng ta đang “thức” hay đang “ngủ” trước sự quang lâm từng ngày, từng giờ của Chúa trong cuộc đời mình? Chúng ta hiện đang “thức” hay “ngủ” trước nhu cầu của chị em trong cộng đoàn, và trước những hoàn cảnh gian khổ của những người chúng ta được sai đến để phục vụ?
2. Tại sao phải tỉnh thức ?
Hết mọi người sinh ra trong thế gian này đều phải có ngày kết thúc, điều này không ai có thể phủ nhận được. Biến cố ấy sẽ xảy đến khi nào? Cách nào? Và ở đâu? Không ai có thể biết được, vì đây là «bí mật» của Thiên Chúa.
Thánh Kinh nói: “Đang khi nó khoe mình bằng an vô sự, lúc nó chẳng dè, bỗng đâu sự chết đến bắt nó” (1 Thes 5,3). “Hãy sẵn sàng vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến…” (Lc12,13-40). Vậy nếu chúng ta luôn sống trong ơn thánh và đã chuẩn bị sẵn sàng, thì giờ đó sẽ là giờ tái sinh và hạnh phúc dường nào! Khi ấy, sự chết sẽ không còn bất ngờ nữa, giống như người tôi trung đón đợi chủ mình: “Kịp khi chủ tới gõ cửa, liền mở ngay”(Lc 12,36). Lúc đó, chúng ta sẽ không còn tiếc xót lo âu, vì ai đã luôn vững tâm chờ đợi Chúa, họ sẽ gặp bình an, và sự chết là bạn đường tình yêu, mở đường đưa chúng ta đến với những người chúng ta yêu mến (Thánh Augustinô). Hay như thánh Anphongsô thì với những ai đã chuẩn bị sẵn sàng vì lòng yêu mến thì “sự chết chỉ là cái hôn của đức mến”[5].
Vì thế, sẵn sàng là thái độ vô cùng khôn ngoan và cần thiết, bởi vì mỗi người chỉ có một cuộc sống trên trần thế.Do đó, nếu không được chuẩn bị thật chu đáo thì cái chết sẽ là một cuộc “vượt qua” thật đáng tiếc và thiếu sót.
3. Phải sống thái độ tỉnh thức và sẵn sàng
Ngày của Chúa đến như kẻ trộm, không ai biết trước được, và là ngày qui định dứt khoát số phận đời đời của ta. Vì thế, thái độ khôn ngoan nhất của ta là luôn luôn tỉnh thức, lúc nào cũng ở trong tư thế sẵn sàng, để ngày ấy dù có bất ngờ tới đâu, cũng là ngày đem lại vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu cho ta. Như vậy, thái độ tỉnh thức là thái độ nào?
Thái độ tỉnh thức ở đây đòi hỏi chúng ta phải sống phù hợp với tinh thần Tin Mừng là tinh thần yêu thương, cụ thể là yêu thương những người gần mình nhất. Điều chúng ta cần quan tâm không chỉ là tránh những điều làm hại đến họ, mà còn là làm những gì họ muốn ta làm cho họ. Trong đoạn Tin Mừng về ngày phán xét cuối cùng (Mt 25,31-46), ta thấy Thiên Chúa đặc biệt phán xét về những thiếu sót, những điều mà ta không làm cho tha nhân khi họ cần ta làm. Chúng ta có thể trở nên “mê ngủ”, mất tỉnh thức khi ta bị thu hút bởi danh, lợi, quyền và thú vui trần tục. Nhiều người mê mải tìm kiếm tiền bạc, quyền lực… đến nỗi chẳng những quên đi bổn phận mình phải làm cho tha nhân như cho người đói ăn, khát được uống, dám lên tiếng trước những bất công…, mà còn sẵn sàng làm những điều bất lợi cho tha nhân nữa như vu khống, gây bất công, thù oán, giết người… Những điều đó ru ngủ ta, làm ta quên cả bổn phận mình phải làm cho tha nhân. Vậy, một cách cụ thể, tỉnh thức chính là luôn luôn ý thức, quan tâm làm những việc mình phải làm hoặc có thể làm cho tha nhân.
Xã hội hôm nay có nhiều thứ làm cho con người ngủ mê, và quên đi phẩm giá và mục đích cuộc đời mình. Con người ngày nay đang ngủ mê trong trào lưu văn hóa hưởng thụ, đề cao chủ nghĩa cá nhân, sống trong tình trạng dửng dưng, vô cảm. Những trào lưu văn hóa đó đang kéo con người xa rời Thiên Chúa. Nhiều người hôm nay chỉ lo thu tích của cải, quyền lực, danh vọng như một bảo đảm an toàn cho cuộc sống mà lãng quên những nhu cầu và giá trị của đời sống tâm linh. Thiên Chúa thực sự không còn chỗ đứng trong đời họ. Thay vì hướng mắt về Thiên Chúa, cặp mắt chúng ta lại gắn chặt vào những hào nhoáng tạm bợ của trần gian. Chúng ta dễ chìm trong ru ngủ mê muội của đam mê trần thế. Tỉnh thức là luôn ở trong tư thế sẵn sàng đón Chúa bất cứ lúc nào, sẵn sàng cả trong khi ngủ, ngủ trong an bình như các cô trinh nữ khôn ngoan, cho nên Thánh Phanxicô de Sales nói rằng: “Sự chờ đợi đích thực có nghĩa là chờ đợi mà không lo lắng gì cả.”
Sống trong một thế giới như thế, Đức Giêsu không ngừng nhắc nhở chúng ta “ hãy tỉnh thức”. Tỉnh thức để biết tích cực, sống với tinh thần ý thức trách nhiệm, biết chọn lựa cái đúng không theo suy nghĩ trần thế mà theo giá trị Tin Mừng, đồng thời sống tốt mối tương quan với Chúa và mọi người trong tình bác ái, yêu thương, quảng đại, tha thứ… để ngay trong trường hợp Chúa đến bất ngờ, chúng ta vẫn luôn tỉnh thức và sẵn sàng. Ngược lại, nếu chúng ta cứ chạy theo danh vọng, chức quyền, của cải, cứ mải mê lo lắng cho sức khỏe, công việc… thì khi Chúa đến như “chiếc lưới bất thần chụp xuống” ai sẽ giải cứu chúng ta đây?
4. Vậy tỉnh thức bằng cách nào ?
Thưa chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng bằng việc thắt dây lưng và cầm đèn sáng. Chúng ta phải loại bỏ tất cả những gì cản trở sinh hoạt thiêng liêng của chúng ta, như các đam mê, tiền của, danh vọng, những sự làm chúng ta mất tự do, không cho chúng ta hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, và sẵn sàng đón tiếp Ngài. Đèn phải được chiếu sáng ở tay nghĩa là đức tin của chúng ta phải chiếu sáng, phải tỏa ra chung quanh, phải biểu lộ bằng hành động, để tỏ rõ điều chúng ta thâm tín tin tưởng trong lòng. Điều này có ngĩa là trong mọi giây phút cuộc đời, đời sống chúng ta phải chiếu rọi những tia sáng tốt lành, nhất là những tia sáng của tình yêu thương. Tỉnh thức chờ đợi trong tư thế đó thì Chúa đến bất cứ ngày nào, giờ nào chúng ta cũng đã sẵn sàng. Chẳng những Chúa rất hài lòng mà còn ban thưởng ngoài sự tưởng tượng của chúng ta.[6]
Gia đình thân mến! Hòa chung nhịp đập với toàn thể Giáo Hội, mỗi người chúng ta được mời gọi “hãy tỉnh thức” để có thể đón lấy cơn mưa hồng ân mà Thiên Chúa Cha ban tặng cho nhân loại trong suốt mùa vọng – mùa chuẩn bị tâm hồn cho đại lễ mừng sinh nhật Ngôi Hai Giáng Sinh làm người. Đó là quà tặng nhưng không được ban cho tất cả mọi người. Nhưng không phải ai cũng có thể hứng lấy được nguồn ân sủng ấy, mà chỉ có những ai biết tỉnh thức mong chờ và cầu nguyện liên lỉ. Chính Đức Giêsu đã nói trong tin mừng “Anh em hãy cầu nguyện luôn hầu đủ sức mạnh chiến đấu và chiến thắng sự dữ, đồng thời có đủ sức mạnh để đứng vững trước mặt con Người” (Lc21,36).
5. Thực chất cầu nguyện là gì? Nó mang lại nguồn ơn sức mạnh nào cho những ai cậy trông?
Chắc hẳn mỗi người chúng ta đã nghe nói nhiều về cầu nguyện, đã từng cầu nguyện và có thể đã cầu nguyện nhiều, nhưng thật khó để đưa ra một định nghĩa cụ thể. Bởi cầu nguyện là vấn đề thuộc tâm tư riêng của từng cá nhân. Nó phản ảnh nỗi lòng, tình cảm hay kinh nghiệm của từng người. Vậy nên, không thể đưa ra được định nghĩa cụ thể, cũng không thể có mẫu số chung cho mọi người.Theo thánh Augustinô, cầu nguyện là ý hướng yêu mến của lý trí đưa về cùng Thiên Chúa; với thánh Đa Minh, cầu nguyện là thưa chuyện với Thiên Chúa như người cha kính mến; thánh Têrêsa Hài Đồng thì cho rằng cầu nguyện là một sự hướng lòng lên, một cái nhìn đơn sơ hướng về trời, đó là một tiếng kêu của lòng tri ân và của tình yêu trong cơn thử thách cũng như trong lúc hưởng niềm vui… Dẫu cho có trăm ngàn định nghĩa khác nhau về cầu nguyện, nhưng tất cả đều hướng đến một đích cao cả là gặp được Chúa – nguồn ân sủng, sức mạnh, sự đỡ nâng để con người có thể tiến bước trên hành trình đức tin.”
Thân là cát bụi, ai trong chúng ta cũng mang phận người mỏng manh yếu đuối, lưu lạc giữa dòng đời làm sao đứng vững nếu không có ơn Chúa đỡ nâng! Sống trong một xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân tiêu thụ. Nhiều lúc chúng ta bị lôi kéo vào vòng xoáy cuộc đời giống như con thiêu thân lao mình vào những cuộc tìm kiếm tiền tài danh vọng của thế gian mà không còn quan tâm hay nghĩ đến giá trị đích thực của đời mình. Và điều đáng lo nhất chính là việc rời xa đời sống cầu nguyện – vô tình hay hữu ý ta đã gạt Chúa ra khỏi cuộc đời và tự gánh vác mọi việc trên đôi vai mỏng dòn của mình. Trong lúc đó, chính Chúa mới là nguồn sức mạnh thánh thiện, nguồn thần lương không bao giờ tàn lụi. Quả thật là đáng tiếc khi chính chúng ta lại từ chối đón nhận một cuộc sống viên mãn xuất phát từ chính Thiên chúa là sự sống vĩnh cửu.
Không chỉ là những giáo dân sống giữa đời, nhưng cả những người bước theo Đức Kitô trong ơn gọi thánh hiến, chúng ta cũng được mời gọi kết thân với Thiên Chúa cách mật thiết hơn. Nhận thấy đời sống cầu nguyện rất cần thiết cho việc dấn thân trong đời tu,Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Không cầu nguyện, đời tu không có ý nghĩa và không thể đạt được mục đích của mình.” Bởi vì thực chất của đời tu là hiến mình vì Đức Kitô, đáp trả lại tình yêu của người. Quả thật, khi không có Chúa cùng hoạt động, ta dễ dàng để mình rơi vào thực trạng chỉ lo hoạt động tông đồ mà quên đi đời sống cầu nguyện, lo chú trọng vào những thành công bên ngoài hơn những giờ chầu, giờ lễ, suy niệm và ở lại bên Chúa. Đây là một vấn nạn cho đời sống dâng hiến trong thời đại hôm nay. Đứng trước thực trạng này người tu sĩ được mời gọi thức tỉnh để không vì mải chạy theo những thành công trần thế mà dần đánh mất Chúa trong cuộc đời mình. Trong cuốn Đường Hy vọng Đức cố Hồng y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận nhấn mạnh: “Hoạt động không cầu nguyện là vô ích trước mặt Chúa. Cầu nguyện phải là ưu tiên hàng đầu: thứ nhất cầu nguyện, thứ hai hy sinh, thứ ba mới đến hoạt động.” Có Chúa cùng hoạt động, ta lấy việc phục vụ làm niềm vui và hăng say dẫn thân quên mình cho lý tưởng này.
Người tu sĩ chính là những người đi tìm và chinh phục sự thánh thiện. Vì thế, người tu sĩ phải tìm cho mình con đường dẫn đến đỉnh cao của sự trọn lành. Có rất nhiều con đường để đi tới đường trọn lành. Mẹ Maria chính là con đường toàn hảo nhất dẫn đưa ta đến với Thiên Chúa. Lần theo dấu chân Mẹ, chắc chắn ta sẽ gặp được Giêsu con chí ái của Mẹ.
Đọc lại những trang suy tư về cuộc đời Mẹ, ta không khỏi choáng ngợp trước vẻ đẹp thanh thoát toát ra từ con tim thánh thiện vô song của Mẹ. Ngay từ nhỏ, Mẹ đã tỏ bày tình yêu của mình cho Thiên Chúa bằng việc tự nguyện khấn hứa giữ đức đồng trinh, và dâng trọn đời mình trong đền thờ để được phục vụ Chúa. Từng giây từng phút trong đời Mẹ không ngừng khao khát, tìm kiếm để thực thi mọi điều đẹp lòng Chúa. Nhờ sự tín thác, Mẹ đã chạm được vào tình yêu của Chúa và chính tình yêu đó đã giúp Mẹ đạt tới đỉnh cao của sự tận hiến qua lời thưa xin vâng: “Vâng tôi đây là nữ tì của Chúa xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần truyền” ( Lc1,38 ). Bàng hoàng, ngỡ ngàng và có phần sợ hãi trước lời loan báo tin vui của sứ thần Gapriel rằng Mẹ đã được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Lúc này đây, không phải Mẹ không có cái băn khoăn của một người thiếu nữ không chồng mà có con, cũng không phải Mẹ không đủ khôn ngoan để biết trước những khó khăn, những lời dèm pha, những hình phạt nặng nề của người Do Thái xưa. Nhưng vì sự hối thúc của một con tim yêu thương đang rần rật chảy trong huyết quản giúp Mẹ cam đảm bước lên thưa tiếng xin vâng. Vì tình yêu Mẹ dám đánh đổi tất cả. Bước vào nhiệm cục cứu độ, cũng chính là lúc những gian nan vất vả liên tiếp giáng xuống trên Mẹ: “Sinh con trong hang đá giữa trời đông giá rét, vất vả cực nhọc khi phải đem hài Nhi trốn sang Ai cập trước sự lùng bắt của quân đội Pharao và sự khước từ giúp đỡ của con người. Nhọc lòng nuôi nấng chăm nom nhưng vẫn luôn mỉm cười hạnh phúc và vẫn chấp nhận đau thương trong sự tín thác khi can đảm đứng dưới chân thập giá trước cái chết khổ nhục và đau thương của Người con chí ái độc nhất của mình.”
Là một phụ nữ liễu yếu đào tơ như bao phụ nữ khác làm sao Mẹ có thể đương đầu với những khó khăn vất vả như một đấng nam nhi đại trượng phu! Đúng là chỉ có tình yêu mới làm được điều đó. Nỗi đau của Mẹ lúc này như tái diễn lại nỗi đau của Chúa Cha khi trao ban Con Một mình cho thế gian chỉ vì yêu thương nhân loại. Như vậy, từ lâu nơi Mẹ đã tiềm tàng trái tim yêu thương của Chúa. Sức sống của Mẹ được nối nguồn với Thiên Chúa- nơi kiến múc nguồn sức sống không bao giờ tàn lụi. Mẹ là đền thờ cao trọng nhất mà Thiên Chúa đã chọn cho con một Ngài. Trái tim Mẹ chứa đựng cả một trời yêu thương, và là đền thờ cầu nguyện không nguôi. Giống như con chí ái của Mẹ luôn khởi đầu mọi việc bằng cuộc trò chuyện thân mật để tìm kiếm Thánh Ý Cha,cuộc đời mẹ cũng là một sự kết nối liên lỉ với Thiên Chúa tình yêu.
Noi gương Mẹ Maria mỗi người chúng cũng được mời gọi dấn thân vào con đường cầu nguyện để được chúa dẫn dắt soi đường. Như trong Thánh Vịnh có ghi : “Hãy kí thác đường đời mình trong tay Chúa, tin tưởng vào người người sẽ ra tay”. Chúng ta cũng hãy kí thác đời mình cho Chúa bằng việc đắm mình trong đời sống cầu nguyện để có thể nghe được tiếng Chúa mời gọi ta và không sợ trở thành con chiên cô đơn, lạc lõng. Nhất là trong mùa vọng này – mùa của sám hối trở về trong tin yêu và hy vọng, tiếng gọi hãy đi vào sa mạc của nội tâm để có thể “Dọn đường cho chúa đi, mọi đồi cao hãy san bằng, mọi hố sâu bạt cho phẳng” đang hối thúc chúng ta từng ngày từng giờ. Lời mời gọi “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện” năm xưa đang vang lên giục giã trong thời đại chúng ta hôm nay.
Tỉnh thức và cầu nguyện chính là con đường và cách sống Đức Giê-su mời gọi chị em chúng ta sống mỗi ngày, để “thoát khỏi mọi điều sẽ xảy đến” và đứng vững trước mặt Con Người, và nhất là làm cho chúng ta bình an và vui mừng, thay vì lo âu và sợ hãi,
Vậy giờ đây chúng ta quỳ xuống dành ít phút để dâng lên Chúa chút tâm tình trong mùa vọng!
Lạy Chúa Giêsu, Mùa Vọng đã đến, mùa trông chờ một cuộc sống và niềm hạnh phúc trong Tình Yêu Chúa. Xin cho mỗi người chúng con biết nhìn nhận chính mình là con người yếu đuối, dễ sa ngã phạm tội, để từ nay sống khiêm tốn, hòa hợp yêu thương nhau để Nước Bình An của Chúa có thể đến trong tâm hồn mỗi người, mỗi gia đình và lan tỏa ra trên tòan thế giới.